1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Khẩn cấp di dời 13 hộ tái chế chì thủ công ra khỏi làng nghề

(Dân trí) - Trước kết quả xét nghiệm mới nhất được công bố ngày 28/5 đến trên 65% trẻ em trong làng nghề Đông Mai nhiễm chì, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương phải khẩn cấp di chuyển các hộ tái chế chì thủ công ra khỏi làng nghề.

Đất, nước, không khí, thực phẩm... đều nhiễm độc chì

Ngày 28/5, tại cuộc họp nóng để giải quyết tình trạng nhiễm độc chì ở làng nghề Đông Mai, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm, Hưng Yên, Bà Nguyễn Thị Liên Hương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) công bố kết quả khám sức khỏe cho người dân và trẻ em làng nghề cho thấy có tới hơn 65% trẻ em làng nghề bị nhiễm chì ở mức độ phải điều trị thải độc. Cụ thể trong 317 trẻ được khám có 207 trẻ bị nhiễm độc chì ở mức độ từ 10- 44,9 mcg/dl.

65% trẻ em làng nghề Đông Mai bị nhiễm độc chì. Ảnh: H.Hải
65% trẻ em làng nghề Đông Mai bị nhiễm độc chì. Ảnh: H.Hải

Trong khi đó kết quả giám sát môi trường thôn Đông Mai mới đây của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường, Bộ Y tế, cho thấy nước tại các kênh và rãnh thoát nước có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 1.000 lần; không khí tại cộng đồng và nơi sản xuất tái chế chì đều có hàm lượng chì cao hơn tiêu chuẩn cho phép trong đó 3/5 mẫu không đạt; đất tại hộ gia đình và vườn trong thôn có hàm lượng chì cao hơn giới hạn cho phép 10-16; rau có hàm lượng chì cao hơn giá trị giới hạn cho phép 1,3 lần.

BS Phạm Duệ, nguyên Giám đốc Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, Tổ chức y tế thế giới WHO đã xác định chì là một trong 10 hóa chất cần quan tâm nhất đối với sức khỏe cộng cộng, các quốc gia cần có hành động khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe của người lao động, trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

“Người lớn nhiễm độc chì khi tẩy độc chì còn có cơ hội trở lại bình thường, với trẻ em sẽ khó khăn hơn nếu tình trạng ngộ độc chì nghiêm trọng. Nghiên cứu trên thế giới cho trẻ nhiễm độc chì cứ tăng 1 mcg/dl thì trẻ sẽ mất 5 điểm về chỉ số IQ. Tôi đề nghị cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề, trẻ em là tương lai của đất nước. Nếu trẻ em vẫn tiếp tục mút chì, ăn chì hàng ngày thì đất nước làm gì còn bác sĩ, kỹ sư”, BS Duệ bày tỏ.

“Sống ở môi trường bị bủa vây bởi chì, từ nước, không khí, đến thực phẩm, rau củ đều nhiễm chì nên có đến 65% trẻ em một làng có hàm lượng chì trong máu ở mức phải điều trị thải độc là một điều đáng lo ngại. Vì thế, bên cạnh điều trị thải độc phải cách ly với nguồn chì, không để tái nhiễm chì vào không khí, môi trường, nước, thực phẩm... thì trẻ mới có cơ hội bình phục. Còn cứ điều trị, rồi lại trở về nơi sinh sống có chì bủa vây thì em bé sẽ lại bị tái nhiễm”, Thứ trưởng Long cho biết.

Đừng bắt dân “sống chung với lũ”

Bế cháu nội đón đầu đoàn kiểm tra của Bộ Y tế sáng 28/5, Bác Mai Văn Thẻo (xóm chùa, thôn Đông Mai) bày tỏ bức xúc khi lâu nay phải sống trong sự bủa vây của chì độc.

Việc tái chế chì từ bình ắc quy hỏng đã khiến làng Đông Mai bị ô nhiễm chì 
Việc tái chế chì từ bình ắc quy hỏng đã khiến làng Đông Mai bị ô nhiễm chì trầm trọng. Chì ngấm sâu vào đất, nước, rồi cả không khí, thực phẩm... gây nhiễm độc chì cho người dân nơi đây. Ảnh: H.Hải

Theo bác Thẻo, gia đình bác không có người tham gia làm nghề tái chế chì nhưng lâu nay vẫn phải sống trong sự ô nhiễm phải trả giá bằng cả nguy cơ sức khỏe. “Đôi lúc muốn rời làng quê ra nơi nào đó thật xa nguồn ô nhiễm, mong muốn chuyển những hộ làm chì thủ công ra nơi khác nhưng chẳng làm gì được. Nguy cơ sức khỏe do nhiễm độc chì ai cũng biết mà vẫn phải chấp nhận cuộc sống đó, chẳng làm thế nào được nên thấy rất bức xúc”, bác Thẻo nói.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị nghị chính quyền đia phương khẩn trương di dời các cơ sở tái chế chì tại xã ra khu vực tập trung riêng để cắt nguồn gây ô nhiễm, tiến hành thay đất ở một số cơ sở nhiễm chì nặng.

Với cơ sở sản xuất tái chế phải có bảo hộ đầy đủ nghiêm ngặt cho công nhân, có khu vực tắm, thay quần áo trước khi về gia đình, giảm thiểu ô nhiễm chì trong gia đình.

Tại làng Đông Mai cần áp dụng đồng loạt các biện pháp khác như hỗ trợ lát gạch men, bê tông hoá nền nhà, sân chơi, thay đất trong vườn, cung cấp nước sạch không sử dụng thực phẩm được nuôi, trồng trong khu vực bị ô nhiễm chì...

Với 207 trẻ em trong làng bị nhiễm độc chì, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Bạch Mai phối hợp bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên, Bệnh viện đa khoa Phố Nối để chuyển giao kỹ thuật điều trị thải độc chì cho các cháu, ưu tiên các cháu nhiễm độc nặng điều trị trước.

Bộ Y tế cũng chỉ đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thực hiện việc xét nghiệm chì máu miễn phí cho nhân dân trước điều trị, trong điều trị và sau điều trị. Thuốc điều trị chì cũng đã được quỹ BHYT thanh toán, Bộ đã chỉ đạo cho các công ty cung ứng đầy đủ theo nhu cầu điều trị.

Ông Nguyễn Văn Thủy, Phó Chủ tịch huyện Văn Lâm cho biết, việc đưa 13 hộ tái chế chì thủ công ngay trong làng rất khó khăn. Mặc dù địa phương đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở, xử phạt nhưng những hộ này vẫn chưa thể di dời cơ sở tái chế chì ra khỏi làng, dự kiến đến hết 2015 mới thực hiện được việc di dời.

Và từng ấy thời gian, người dân làng Đông Mai lại vẫn phải tiếp diễn cuộc sống với nhiều nỗi thấp thỏm, lo âu khi môi trường, không khí, nước, thực phẩm... trong vùng “đậm đặc” loại kim loại nặng chì độc hại.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm