Khám bệnh từ xa giúp hạn chế việc người dân tự đoán bệnh, tự mua thuốc

Minh Nhật

(Dân trí) - Chuyển đổi số mang lại tác động to lớn trong cuộc sống và đây cũng là một yêu cầu tất yếu đối với ngành y tế

Khám bệnh từ xa giúp hạn chế tình trạng người dân tự đoán mò bệnh, tự ra quầy mua thuốc. Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận tại "Hội nghị ứng dụng công nghệ thông tin trong y khoa và tổng kết đề án khám chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội năm 2023".

Theo Thứ trưởng Luận, chuyển đổi số mang lại tác động to lớn trong cuộc sống và đây cũng là một yêu cầu tất yếu đối với ngành y tế. Trong đó, Telehealth (khám bệnh từ xa) là điểm sáng đi đầu trong ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế.

Khám bệnh từ xa giúp hạn chế việc người dân tự đoán bệnh, tự mua thuốc - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Bộ Y tế cũng đang đẩy mạnh việc xây dựng pháp lý để phục vụ công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực y tế. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng hành lang pháp lý cho khám chữa bệnh từ xa sẽ đáp ứng được yêu cầu", Thứ trưởng Luận nhấn mạnh.

Theo ông, một thực trạng lâu nay ở Việt Nam là nhiều người dân khi có bệnh sẽ tự đoán mò bệnh hoặc đến quầy thuốc để tự mua.

Telehealth đang giải quyết mạnh mẽ thực trạng này, khi người dân sẽ được bác sĩ tư vấn.

Phát biểu tại Hội nghị, PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, trong 16 năm lịch sử hình thành, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh là một trong những điều đáng tự hào nhất của cơ sở y tế này.

Khám bệnh từ xa giúp hạn chế việc người dân tự đoán bệnh, tự mua thuốc - 2

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sau 3 năm triển khai Telehealth, đã có hơn 200 cơ sở y tế phối hợp thường quy với bệnh viện, chưa kể khoảng 250 cơ sở y tế đề nghị tham gia. Tính đến nay, đã có 248 buổi hội chẩn với 2.248 ca, 316 báo cáo khoa học…

"Khám bệnh từ xa chỉ là một trong các nền tảng kết nối các bệnh viện, để nâng cao khám chữa bệnh cho người dân Việt Nam. Có một lĩnh vực mà chúng tôi mong muốn triển khai thật mạnh mẽ đó là đào tạo liên tục từ xa".

Theo PGS.TS Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, công tác chuyển đổi số đã mang lại lợi ích rất lớn cho người bệnh, cũng như hỗ trợ nhân viên y tế và công tác nghiên cứu khoa học.

Bệnh viện bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2017 và đến nay, một trong những kết quả đáng ghi nhận là đã triển khai 100% bệnh án điện tử và sổ khám bệnh điện tử. Thuốc của bệnh nhân được cấp phát tận giường và bệnh nhân có thể thanh toán qua các phương thức thông minh.

Khám bệnh từ xa giúp hạn chế việc người dân tự đoán bệnh, tự mua thuốc - 3

PGS.TS Đào Xuân Thành, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

"Khi thông tin y tế của người bệnh được "số hóa" và có thể truy cập từ xa sẽ mang đến lợi ích rất lớn. Ví dụ như khi người dân đi du lịch không may mắc bệnh sẽ rất thuận tiện cho cả bệnh nhân và bác sĩ, tối ưu hiệu quả điều trị.

Chỉ riêng bệnh án điện tử đã giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí giấy, mực in, kho bảo quản hồ sơ cho bệnh viện.

Bên cạnh đó, bệnh án có thể sao lưu mãi mãi và dễ dàng truy xuất", PGS Thành phân tích.

Theo TS.BS Trần Ngọc Minh, Khoa Giải phẫu bệnh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, thực trạng thiếu bác sĩ, chênh lệch về cơ sở vật chất, kỹ thuật y học và chuyên môn giữa cơ sở y tế tuyến Trung ương và địa phương đã dẫn đến tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, gây quá tải tuyến trên.

Việc ứng dụng mạnh mẽ chẩn đoán giải phẫu bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phần nào giải quyết tình trạng này.

"Giải phẫu bệnh từ xa Telepathology và thực hành chẩn đoán giải phẫu bệnh bằng cách hiển thị hình ảnh mô bệnh học trên màn ảnh, video thay vì xem tiêu bản trực tiếp trên kính hiển vi.

Giải phẫu bệnh kỹ thuật số là một mảng mới của giải phẫu bệnh từ xa. Tiêu bản bệnh phẩm trên slide kính sẽ được chụp bằng thiết bị quét để chuyển thành slide số có độ phân giải cao và có thể xem trực tiếp trên các thiết bị di động", BS Minh chia sẻ.

Chẩn đoán mô bệnh học từ xa sẽ giúp tối ưu hóa phân bổ nguồn lực y tế. Nguồn lực y tế chất lượng cao có thể chia sẻ cho các tuyến ở bệnh viện địa phương, giảm tình trạng mất cân bằng nguồn lực, mang lại lợi ích trực tiếp cho bệnh nhân.

"Trước đây bệnh nhân phải cầm tiêu bản đến các bệnh viện nhưng với giải phẫu bệnh từ xa chỉ cần quét thành tiêu bản số và các bệnh viện có thể truy cập. Công nghệ này được ứng dụng rất lớn trong giải phẫu bệnh của hội chẩn, đặc biệt trong việc tư vấn các trường hợp khó và chẩn đoán sinh thiết tức thì", BS Minh phân tích.

BS Minh dẫn chứng việc chẩn đoán mô bệnh học từ xa đã được ứng dụng để hội chẩn gần 1000 trường hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.