1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Kết quả điều tra bước đầu vụ 3 nạn nhân ngộ độc pate chay

Hồng Hải

(Dân trí) - Cục An toàn thực phẩm cho biết, điều tra bước đầu vụ ngộ độc pate chay khiến 2 người nguy kịch, 1 tử vong cho thấy các nạn nhân cùng ăn món bún riêu chay có sử dụng hộp pate đã phồng.

Bà Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, liên quan đến vụ 3 người nghi ngộ độc pate chay, trong đó 1 người tử vong, cơ quan này đề nghị truy tìm nguồn gốc pate chay bệnh nhân sử dụng.

Kết quả điều tra bước đầu vụ 3 nạn nhân ngộ độc pate chay - 1

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy, các nạn nhân đều là người trong một gia đình, có sử dụng món bún chay tự nấu. Trong đó, người nấu đang bị hôn mê, 1 người đã tử vong và một bé gái 16 tuổi đang được điều trị.

Qua điều tra từ gia đình, khi nấu bún chay có sử dụng 1 hộp pate đã bị phồng mà vẫn mở ra dùng vì nghĩ không ảnh hưởng chất lượng.

Bà Trần Việt Nga cảnh báo, thời gian gần đây lại nổi lên ngộ độc thực phẩm tại các hộ gia đình do người dân tự chế biến, tiệc trong làng, chế biến cho gia đình sử dụng. Các vụ ngộ độc xảy ra ngộ độc với triệu chứng nặng như vụ ngộ độc bún chay ở Bình Dương (đang điều trị tại TP Hồ Chí Minh); vụ ở Kontum khi người dân chế biến cá ủ muối đóng vào hộp, bỏ ra ăn. Các ca ngộ độc này nặng bởi nhiễm độc tố của botulinum - độc tố được sinh ra trong môi trường yếm khí, điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Vì thế Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người dân, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm phải lưu ý để đảm bảo an toàn, phòng ngộ độc. Đặc biệt những cơ sở sản xuất quy mô nhỏ hoặc hộ gia đình không nên cho thực phẩm vào đóng gói kín, không đủ điều kiện tiệt trùng nguy cơ ngộ độc độc tố botulinum rất lớn do độc tố này được sinh ra trong môi trường yếm khí, khi dụng cụ bao gói không đảm bảo an toàn.

Đặc biệt, ngộ độc do độc tố botulinum thường diễn biến rất nặng. Đây là một loại ngộ độc hiếm gặp, nhưng khi đã gặp gây hậu quả nặng nề. Vì thế, người dân sau sử dụng thực phẩm đóng hộp, thực phẩm bao gói kín, hút chân không xuất hiện các tình trạng nôn, đau bụng, đặc biệt là triệu chứng thần kinh như liệt, sụp mi, nhìn mờ, đau họng, khó nuốt, khan tiếng, khô miệng… cần đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.

Bà Trần Việt Nga lưu ý, độc tố này không bị loại bỏ dù đun sôi thông thường. Vì thế, khi thấy đồ hộp đã bị phồng, méo, quá hạn sử dụng tuyệt đối không sử dụng.

Trước đó, Sở Y tế TPHCM đã phát cảnh báo về chùm ca bệnh nguy kịch nghi do ngộ độc thực phẩm pate chay điều trị tại Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM.

Thông tin bệnh sử từ người nhà nữ bệnh nhân (53 tuổi) đang hồi sức tại Bệnh viện Nhân dân 115, trưa 20/3 gia đình có nấu bún riêu chay tại miếu (cách nhà khoảng 2km, nhà ở Thuận An, Bình Dương) cho nhiều người cùng ăn, trong nguyên liệu sử dụng có 1 hộp pate chay đã bị phồng lên. Chiều tối cùng ngày thì bệnh nhân xuất hiện chóng mặt, nhìn đôi. 

Một ngày sau bệnh nhân nói đớ, nuốt khó nên phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhân Dân 115. Qua các kết quả xét nghiệm, kiểm tra, bác sĩ xác định bệnh nhân bị hôn mê sau ngừng tuần hoàn, hô hấp nghi nhiễm độc pate chay. Các bác sĩ đang nỗ lực cứu chữa nhưng sau 4 ngày nhập viện, diễn tiến sức khỏe của bệnh nhân chưa có dấu hiệu cải thiện. 

Trường hợp thứ 2 là cháu P.T.T.T. (16 tuổi) được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng rối loạn tri giác, theo dõi viêm màng não, vẫn đang phải thở máy. Hiện các bác sĩ đang theo dõi và điều trị nội khoa tích cực cho bệnh nhân. 

Trường hợp thứ 3 cùng ăn bữa chay với 2 bệnh nhân trên cũng gặp những biểu hiện tương tự là bệnh nhân nữ (42 tuổi, ngụ Bình Dương) được chuyển đến Cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngày 24/3. Thời điểm nhập viện, bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, nuốt khó. Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Nội thần kinh với chẩn đoán: theo dõi viêm thân não, phân biệt với ngộ độc. 

Trong quá trình theo dõi, bệnh nhân bị ngưng tim đột ngột, suy hô hấp đã được ê kíp điều trị hồi sức có nhịp tim trở lại. Tuy nhiên, gia đình xin cho đưa bệnh nhân về lo hậu sự. Kết quả thử độc chất trong nước tiểu của bệnh nhân cho thấy có hàm lượng phốt pho vô cơ nồng độ 1810,9 mmg/lít.

Sở Y tế nhận định, tất cả bệnh nhân trên đều có cùng bệnh cảnh (nhược cơ, suy tuần hoàn, suy hô hấp…) trước đó đều cùng ăn pate chay. Hiện tại, Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đang hồi sức tích cực cho các bệnh nhân và đang chờ các bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đến hội chẩn và mang thuốc giải độc tố của vi khuẩn Clostridium Botulinum, tác nhân chính có trong pate chay gây ra ngộ độc.