Kẽm giúp bảo vệ cơ thể trước nhiều loại ung thư nguy hiểm
(Dân trí) - Một số vitamin và chất khoáng trong thực phẩm đã được chứng minh có vai trò phòng chống ung thư, làm chậm quá trình lão hóa ở người.
Kẽm giúp phòng chống ung thư như thế nào?
Kẽm chỉ xếp thứ hai (sau sắt) trong danh sách những khoáng chất được tìm thấy nhiều nhất trong cơ thể con người. Các nghiên cứu đã chứng minh rằng, kẽm cần thiết cho hoạt động của hơn 300 loại enzyme trong cơ thể, và các enzyme này giúp xúc tác những phản ứng sinh hóa thiết yếu cho tổng hợp protein, sản xuất hormone cũng như sức khỏe nói chung.
Nhờ đó, chế độ ăn giàu kẽm có tác dụng kích thích tăng trưởng, tăng miễn dịch, phòng chống các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là phòng chống ung thư.
Từ năm 2001-2003, tạp chí nghiên cứu về ung thư của Mỹ đã công bố nhiều công trình khoa học phát hiện ra vai trò của kẽm trong phòng chống ung thư thực quản ở chuột.
Tác dụng của kẽm trong phòng chống ung thư được chứng minh là liên quan tới sự chết theo lập trình của tế bào biểu mô thực quản. Nếu ăn đủ kẽm sẽ giúp loại trừ những tế bào bất thường. Ngược lại nếu chế độ ăn không đủ kẽm hoặc cơ thể bị thiếu kẽm thì các tế bào bất thường sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển thành khối u.
Bên cạnh ung thư thực quản, kẽm còn cho thấy tác dụng của mình với ung thư gan. Kết quả này được rút ra, thông qua quá trình theo dõi và nghiên cứu trên nhóm đối tượng bệnh nhân mắc các bệnh gan mãn tính. Cụ thể, các nhà khoa học đến từ Bệnh viện Osaka-Rosai (Nhật Bản) đã phát hiện ra rằng, kẽm giúp giảm đáng kể khả năng khởi phát ung thư ở nhóm nguy cơ cao này.
Dấu hiệu cơ thể đang thiếu kẽm
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng 31% dân số toàn cầu bị thiếu kẽm.
Những người ăn chay trường và ăn chay nghiêm ngặt có thể có nguy cơ thiếu kẽm vì họ thường có hàm lượng axit phytic cao trong chế độ ăn, đây vốn là chất làm giảm hấp thụ kẽm.
Những người khác có nguy cơ cao là nhóm đối tượng uống nhiều rượu, vì cồn ức chế sự hấp thụ kẽm của cơ thể. Bạn cũng có thể bị thiếu kẽm nếu bị bệnh lý như eczema và bệnh vảy nến, bởi vì chúng làm tăng thay mới tế bào có thể dẫn đến thiếu hụt kẽm.
Dấu hiệu lượng kẽm trong cơ thể ở mức thấp bao gồm: hệ miễn dịch suy yếu, cảm lạnh nhiều hơn và vết thương liền kém, mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục.
Những thực phẩm giàu kẽm cho bữa ăn hàng ngày
Kẽm có nhiều trong sò, nghêu, sữa, trứng, gan động vật, đậu, thịt gia súc, gia cầm và trong ngũ cốc thô.
Thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn và thịt cừu nằm trong số những nguồn cung cấp kẽm tốt nhất. Vì kẽm trong những thực phẩm này có thể hấp thụ dễ dàng hơn so với các nguồn khác. Các chuyên gia khuyên nên ăn tới 500g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần.
Thịt đỏ đun lâu có hàm lượng kẽm cao hơn thịt nấu theo những cách khác. Ngoài ra, những bằng chứng mới gợi ý rằng, uống sữa có thể giúp hấp thụ kẽm từ những thực phẩm nhiều phytate cao như ngũ cốc. Lời khuyên tuyệt vời cho những người ăn chay.