Kê toa trị lờn thuốc

Có nhiều người khi gặp tình trạng lờn thuốc đã xử lý bằng cách tự ý tăng liều dùng hoặc dùng thuốc “nặng đô” hơn. Cách này có thể đem lại cảm giác giảm bệnh nhất thời nhưng về lâu dài sẽ đẩy người bệnh đến gần hơn với nguy cơ ngộ độc thuốc.

  

Kê toa trị lờn thuốc - 1


Khi nào bị lờn thuốc?

 

Chữ “lờn thuốc” mà nhiều người sử dụng có đến hai nghĩa. Trước hết, đối với sử dụng thuốc kháng sinh, lờn thuốc có nghĩa là vi khuẩn gây bệnh không còn nhạy cảm, có khả năng chống lại tác dụng của thuốc để đưa đến hậu quả kháng sinh mà người bệnh sử dụng không mảy may gây hại cho vi khuẩn.

 

Lờn thuốc ở đây là sự rút gọn của “vi khuẩn lờn thuốc kháng sinh”. Đây là vấn nạn gây tác hại nghiêm trọng đến sức khoẻ cộng đồng, như trong chữa bệnh lao ở nước ta hiện phải đối phó với “lao đa kháng thuốc” (tức vi khuẩn đã đề kháng với nhiều loại thuốc chống lao hàng đầu) và “lao siêu kháng thuốc” (tức vi khuẩn đã đề kháng với không chỉ các thuốc thuộc loại hàng đầu mà cả với thuốc dự trữ hạng hai).

 

Mới đây nhất là báo động ở nhiều nước xuất hiện loại vi khuẩn nguy hiểm này đã đột biến gen, tiết ra enzym New Dehli metallo beta-lactamase (viết tắt NDM-1) đề kháng nhóm kháng sinh carbamenem, là kháng sinh mạnh thuộc loại dự trữ sau cùng, chỉ dùng khi nhiễm khuẩn rất nặng.

 

Nghĩa thứ hai của lờn thuốc mà bà con ta cũng thường nói là tình trạng cơ thể do dùng một thứ thuốc lặp đi lặp lại nhiều lần, nếu dùng liều lượng cũ sẽ thấy không có tác dụng và phải tăng liều lượng lên mới “ép phê”. Lờn thuốc dạng này là một đặc tính của thuốc gây nghiện, trong đó có thuốc ngủ, thuốc an thần, thuốc hướng tâm thần nói chung, kể cả ma tuý. Chẳng hạn, nhiều người quen dùng thuốc an thần gây ngủ (như Seduxen) và càng ngày càng tăng liều dùng thì mới ngủ được. Một số thuốc thông thường như các thuốc trị đau thấp khớp, nhiều người quen dùng cứ thấy hiệu quả giảm dần theo thời gian, cũng chính là biểu hiện của lờn thuốc dạng này. Cũng cần biết, không chỉ với thuốc, một số chất con người quen dùng hàng ngày cũng gây ra tình trạng lờn tương tự, chẳng hạn như rượu, nhiều người lúc đầu chỉ uống nửa ly bia là mặt đỏ bừng, thấy xây xẩm, thế nhưng chỉ trong thời gian sau, nếu ngày nào cũng lai rai, sẽ uống tới vài xị rượu đế như chơi và thấy “thế mới đã!”.

 

Có thuốc hoá giải không?

 

Để hạn chế cả hai sự lờn thuốc, chỉ có cách là dùng thuốc khi thật cần thiết, theo hướng dẫn của thầy thuốc, không lạm dụng và không sử dụng bừa bãi.

 

Để chống lại hiện tượng lờn thuốc kháng sinh, ta nên dành quyền chỉ định kháng sinh cho thầy thuốc. Không nên tự ý sử dụng kháng sinh một cách bừa bãi, không đúng lúc, không đủ liều. Khi được bác sĩ ghi đơn chỉ định dùng kháng sinh nên dùng đúng liều, đủ thời gian như chỉ định, không nên ngưng, bỏ thuốc nửa chừng. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt nhưng không phải tất cả các trường hợp bị nóng sốt đều do nhiễm khuẩn. Hơn nữa, nếu thực sự bị nhiễm khuẩn, dùng kháng sinh đủ liều thường kéo dài nhiều ngày (thông thường từ năm đến mười ngày). Vì vậy, tuyệt đối không nên chỉ mới thấy cảm sốt sơ sơ là vội uống vài viên thuốc kháng sinh rồi thôi.

 

Trên nguyên tắc, nếu vi khuẩn còn nhạy cảm với kháng sinh cổ điển, thông dụng thì sử dụng kháng sinh loại này và tránh dùng kháng sinh loại mới. Không nên nghe lời mách bảo tìm mua các loại kháng sinh mới nhất (các fluoroquinolon, các cephalosporin thế hệ thứ ba, thứ tư) để tự chữa bệnh. Những kháng sinh mới thường được khuyến cáo chỉ dùng trong bệnh viện hoặc khi có chỉ định cân nhắc của bác sĩ điều trị. Đó là thuốc quý có tính dự trữ, nếu sử dụng bừa bãi chắc chắn trong thời gian ngắn sẽ bị lờn, bị đề kháng.

 

Khác với lờn thuốc kháng sinh, gây ra bởi chính thay đổi của tác nhân gây bệnh là vi khuẩn, lờn thuốc theo nghĩa thứ hai gây ra bởi chính cơ thể người dùng thuốc. Thuốc đưa vào cơ thể chỉ cho tác dụng nếu gắn vào nơi tiếp nhận. Khi cơ thể quen dùng một thứ thuốc, các nơi tiếp nhận này sẽ thay đổi bản chất hoặc gia tăng số lượng, đưa đến phải gia tăng nồng độ thuốc, tức phải gia tăng liều dùng thì mới đáp ứng cho tác dụng. Để đối phó với lờn thuốc dạng này, chỉ có cách là tăng liều nhưng không thể tăng liều mãi vì sẽ đưa đến liều độc. Đối với thuốc có khả năng bị lờn, thầy thuốc sẽ cho liều dùng và thời gian dùng như thế nào đó để phòng lờn thuốc, tuỳ mức độ. Hoặc khi thuốc đã lờn, bắt buộc phải thay thuốc khác. Trong lĩnh vực dược, người ta phải luôn tìm ra thuốc mới, một phần cũng là để thay thế thuốc cũ bị lờn.

 

Cho đến nay, khoa học chưa nghiên cứu được một loại thuốc nào có thể giúp hoá giải nhanh tình trạng lờn thuốc, để người bệnh tiếp tục sử dụng thuốc như cũ. Cách can thiệp phổ biến vẫn là điều chỉnh cách dùng như nói trên. Vì vậy, để hạn chế cả hai sự lờn thuốc, chỉ có cách là sử dụng thuốc khi thật cần thiết, theo hướng dẫn của thầy thuốc, không lạm dụng và không sử dụng bừa bãi.

 

Theo PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức

Sài Gòn tiếp thị