1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Ít nguy cơ dị ứng nếu từng... mút tay ngày bé

(Dân trí) - Những trẻ hay mút ngón tay cái và cắn móng tay ít bị dị ứng hơn khi lớn lên, đó là kết quả một nghiên cứu gần đây của trường Đại học Otago, New Zealand.

Ít nguy cơ dị ứng nếu từng... mút tay ngày bé - 1

Những thói quen này thường có từ trong bụng mẹ, sẽ bảo vệ trẻ nhỏ khỏi các tác nhân dị ứng bao gồm mạt bụi nhà, cỏ, nấm mốc và lông động vật nhờ làm cho trẻ tiếp xúc với mầm bệnh từ sớm và làm thay đổi chức năng miễn dịch của cơ thể.

Phát hiện của chúng tôi phù hợp với giả thuyết vệ sinh cho rằng việc tiếp xúc sớm với chất bẩn hoặc mầm bệnh làm giảm nguy cơ dị ứng”, GS Malcolm Sears phát biểu

Chúng cũng giúp bảo vệ trong suốt tuổi trưởng thành, ngay cả khi cha mẹ của trẻ bị dị ứng, hoặc trẻ lớn lên trong gia đình có nuôi động vật hoặc có người hút thuốc lá.

GS Malcolm Sears, trường Đại học McMaster, Canada, nói thêm: “Tuy chúng tôi không khuyến khích những thói quen này nhưng có vẻ chúng có mặt tích cực”.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Pediatrics, đã theo dõi sự phát triển của 1.037 người từ khi sinh đến tuổi trưởng thành.

Các bậc cha mẹ khai về thói quen mút ngón tay và cắn móng tay của con khi trẻ được 5 tuổi, 7 tuổi, 9 tuổi và 11 tuổi.

Sau đó trẻ được kiểm tra dị ứng bằng test lẩy da với ít nhất 1 dị nguyên phổ biến khi ở tuổi 13 và 32.

Kết quả cho thấy những trẻ mút ngón tay hoặc cắn móng tay có tỷ lệ mẫn cảm ở tuổi 13 thấp hơn những trẻ không có thói quen này 38% so với 49%. Nhưng trẻ có cả hai thói quen này có nguy cơ thậm chí còn thấp hơn với chỉ 31%.

Tác dụng bảo vệ vẫn duy trì suốt cuộc đời của đối tượng, với mức bảo vệ giữ nguyên khi kiểm tra ở tuổi 32.

GS Bob Hancox, tác giả chính của nghiên cứu, cho rằng kết quả “gợi ý việc phơi nhiễm sớm với vi sinh vật khi còn nhỏ làm giảm nguy cơ dị ứng”.

Tuy nhiên, mặc dù những trẻ mút ngón tay và cắn móng tay ít dị ứng hơn trên khi làm test da, nghiên cứu thấy không có sự khác biệt trong nguy cơ trẻ phát triển các bệnh dị ứng như hen hoặc viêm mũi dị ứng.

Cẩm Tú

Theo Telegraph