Huy động “tổng lực” thực hiện đồng thời 3 ca ghép tạng

(Dân trí) - Sau 7 ngày được ghép tạng, các bệnh nhân được ghép tạng đang tiến triển tốt, tạng đã “hòa nhập” với cơ thể mới. Có được thành quả này, BV Việt Đức đã phải huy động “tổng lực” tới 120 y, bác sĩ tham gia ca mổ ghép tạng kỷ lục.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc BV Việt Đức cho biết, các ca ghép tạng kỷ lục này được thực hiện hôm 21/5, ngay khi có nguồn tạng hiến quý báu mà gia đình bệnh nhân chết não đồng ý hiến hạng. “Ngay khi nhận được nguồn tạng hiến, chúng tôi đã khẩn trương chuẩn bị cho các ca ghép, lựa chọn người bệnh suy tạng mãn có các chỉ số phù hợp với tạng người hiến để tiến hành ghép. Theo đó, sẽ có 2 bệnh nhân suy thận, 1 bệnh nhân xơ gan, ung thư gan sẽ được ghép. Ngoài ra, có thêm một ca ghép giác mạc được thực hiện tại BV Mắt T.Ư. Hai van tim cũng được bảo quản để chờ ghép cho bệnh nhân tương thích”, TS Quyết nói.
 
Sau gần 7 giờ đồng hò, 3 ca ghép tạng đã thành công. Ảnh: Thu Hiệp.

Sau gần 7 giờ đồng hò, 3 ca ghép tạng đã thành công. Ảnh: Thu Hiệp.

Để thực hiện được đồng thời 3 ca ghép tạng và 1 ca phẫu thuật lấy tạng từ người chết não, BV Việt Đức đã huy động tới 120 y bác sĩ của BV đã được huy động để thực hiện ca ghép đa tạng này và chỉ trong vòng 7 giờ, các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) đã ghép 1 lá gan và 2 quả thận thành công.

Người được ghép gan là một bệnh nhân nam 54 tuổi (ở Hà Nội) bị ung thư gan giai đoạn cuối; 1 bệnh nhân nam bị suy thận (30 tuổi ở Nam Định) và 1 nữ bác sĩ (32 tuổi công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) bị suy thận được ghép thận. Ngay sau gần 3 giờ đồng hồ ghép tạng thành công, các ca ghép đã có tiến triển tốt. Cụ thể, 2 bệnh nhân ghép thận đều tỉnh, có nước tiểu còn bệnh nhân ghép gan có dịch mật ra tốt. 2 ca ghép thận đều tỉnh, có nước tiểu. Người cho tạng là nam, 41 tuổi bị tai nạn giao thông với chấn thương nặng, nguy cơ tử vong cao. Hội đồng khoa học gồm các chuyên gia đầu ngành đã hội chẩn và khẳng định bệnh nhân đã chết não. Gia đình người bệnh đã đồng ý hiến tạng của bệnh nhân để cứu những người bệnh khác đang sống mỏi mòi, chờ chết vì suy tạng.

PGS.TS Quyết cho biết, cả 3 bệnh nhân được ghép tạng lần này đều ở tình trạng suy tạng giai đoạn mãn, sự sống tính từng ngày. “Bệnh nhân ung thư gan đã giai đoạn cuối, bệnh nhân suy thận phải chạy thận nhân tạo thường xuyên 3 lần/tuần. Sự sống của họ leo lét như ngọn đèn trước gió, có thể tắt bất cứ lúc nào. Và phép màu đã đến, một người bệnh không may chết não, mất đi nhưng đã mang lại sự sống cho ba bệnh nhân khác.

Như vậy đến nay, sau 3 năm kể từ ca ghép tạng từ người cho chết não đầu tiên, BV Việt Đức đã tiếp nhận tạng hiến từ 13 người chết não, từ đó ghép tim cho 5 bệnh nhân; ghép gan cho 9 trường hợp và 25 trường hợp được ghép thận. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã thực hiện 3 ca ghép gan thành công từ người cho sống. Ca ghép gan lần này là ca ghép gan thứ 12 được thực hiện tại bệnh viện.

“Kỹ thuật ghép gan là kỹ thuật khó nhất trong ghép tạng, tiếp đến là ghép thận, ghép tim. Phần lớn các ca ghép được thực hiện tại BV Việt Đức đều thành công. Thực tế, ca phẫu thuật ghép gan, thận, tim từ người cho chết não được thực hiện tại BV Việt - Đức tháng từ tháng 5/2010 đến nay đều do 100% bác sĩ Việt Nam thực hiện. Đến nay, tất cả các ca ghép này đều thành công, người bệnh được ghép đã có một cuộc sống tốt hơn với tình trạng sức khỏe ổn định và kỹ thuật ghép tạng cũng trở thành thường quy tại bệnh viện”, TS Quyết nói.

TS Nguyễn Tiến Quyết trăn trở, số người hiện nay đang chờ được ghép tạng rất lớn nhưng nguồn tạng từ bệnh nhân chết não còn rất hiếm. Riêng tại BV Việt Đức mỗi ngày có từ 5 -7 ca chết não xin về, nếu nguồn tạng đó được hiến tặng, sẽ có thêm nhiều người bệnh được cứu sống. Bởi trên thực tế, nhu cầu ghép thận ở Việt Nam vào khoảng 8.000 người và 1.500 người có chỉ định ghép gan, nhưng số lượng bệnh nhân được ghép lại quá ít.

Việt Nam bắt đầu ghép tạng từ năm 1992, đến nay có 12 đơn vị tiến hành ghép tạng, trong đó có 5 đơn vị ghép gan và 3 đơn vị ghép tim. Tuy nhiên, số bệnh nhân được ghép còn rất khiêm tốn với gần 700 bệnh nhân được ghép thận, 28 bệnh nhân được ghép gan và 7 bệnh nhân ghép tim.

“Chúng ta đã làm chủ kỹ thuật, cái khó khăn nhất chính là nguồn tạng hiến. Vì thế, chúng tôi luôn hi vọng mọi người sẽ cởi mở, nhìn vấn đề hiến mô tạng từ người chết não nhẹ nhàng hơn. Một người không may mất đi, nhưng từ nguồn tạng hiến có thể mang lại cuộc sống, hạnh phúc và nụ cười cho rất nhiều con người”, TS Quyết tâm sự.

Hồng Hải