1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

“Huấn luyện” tế bào tiêu diệt bệnh bạch cầu

(Dân trí) - Một phương pháp mới tiêu diệt tế bào ung thư sử dụng hệ miễn dịch của chính người bệnh đã đẩy lùi bệnh bạch cầu ở 88% số bệnh nhân.

Tế bào ung thư dưới kính hiển vi
Tế bào ung thư dưới kính hiển vi

Báo cáo của các nhà khoa học ở New York, Mỹ mang đến một thông tin tốt lành cho lĩnh vực miễn dịch trị liệu ung thư đang còn rất mới mẻ, sử dụng loại “sinh dược” đã được tạp chí Science bình chọn là bước đột phá y học năm 2013.

Thử nghiệm mới nhất được tiến hành trên 16 bệnh nhân người lớn bị một dạng ung thư máu có tên là bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp tế bào B.

14 trong số 16 bệnh nhân đã thuyên giảm bệnh sau khi tế bào T của họ được xử lý di truyền để có thể tập trung “xóa sổ” ung thư.

Trong quá trình này, một số tế bào miễn dịch có tên là tế bào T sẽ được lấy ra từ máu bệnh nhân và được biến đổi gen để bắt chúng nhận diện một protein có tên là CD19, trên bề mặt tế bào ung thư, nhờ đó chúng có thể tiêu diệt các tế bào này.

Bình thường, tế bào T có thể tấn công những tác nhân xâm nhập có hại cho cơ thể, nhưng lại không đụng chạm gì đến tế bào ung thư.

“Về cơ bản, chúng tôi đã “đào tạo lại” cho tế bào T bằng liệu pháp gen để chúng có thể nhận diện và tấn công tế bào ung thư”, nhóm nghiên cứu cho biết.

Tuổi trung bình của bệnh nhân là 50 và tất cả đều có khả năng sống rất mong mạnh trước khi bước vào thử nghiệm do bệnh tái phát hoặc do hóa trị liệu không còn tác dụng.

Thời gian thuyên giảm bệnh dài nhất ở những bệnh nhân này cho đến nay là 2 năm, và nhiều bệnh nhân vẫn khỏe mạnh.

Nếu không có liệu pháp này, dự kiến sẽ chỉ có 30% bệnh nhân tái phát đáp ứng với những thuốc hóa trị liệu cuối cùng.

Mỗi năm ở Mỹ có khoảng 1.400 người chết do bệnh bạch cầu nguyên bào lympho cấp, và tuy nằm trong số những ung thư nhiều khả năng điều trị được nhất, song bệnh nhân cũng thường kháng với hóa trị liệu và tái phát bệnh.

Cẩm Tú

Theo channelnewsasia

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm