Họp hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin

Nam Phương

(Dân trí) - Liên quan đến 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin tại Vĩnh Phúc và Sơn La, Văn phòng tiêm chủng mở rộng quốc gia cho biết các tỉnh sẽ nhanh chóng họp hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân tử vong.

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia cho biết đã nhận được báo cáo nhanh từ Sơn La và Vĩnh Phúc về hai trường hợp tử vong sau tiêm chủng. Viện đã yêu cầu các tỉnh họp hội đồng chuyên môn, cần ý kiến đánh giá của các chuyên gia để có kết luận chính xác về nguyên nhân tử vong. 

Bước đầu đánh giá nhanh công tác tiêm chủng tại hai tỉnh trên, từ khâu bảo quản, sử dụng đến tiêm chủng vắc xin đều đảm bảo an toàn. Cũng theo PGS Hồng, lô vắc xin 5 trong 1 tiêm cho trẻ tại Sơn La cũng được tiêm cho trẻ tại nhiều tỉnh, thành khác như tại khu vực phía Nam nhưng không có vấn đề gì bất thường. 

Họp hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin - 1
Một trường hợp đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sơn La sau khi được tiêm phòng vắc xin 5 trong 1. Ảnh: CTV.

Trước đó, trường hợp tử vong xảy ra tại Vĩnh Phúc là một bé sơ sinh, được tiêm vắc xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên. Bước đầu các bác sĩ nghi ngờ cháu bé bị thiếu men chuyển hóa. Trong ngày 10/10, có khoảng 12 trẻ cùng được tiêm vắc xin viêm gan B tại bệnh viện, tuy nhiên chỉ có trường hợp trên gặp sự cố.

Trường hợp tử vong tại Sơn La là một bé gái 2 tháng tuổi, được tiêm mũi 1 vắc xin 5 trong 1 ComBE Five. Ngoài ra, theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn 4 trẻ khác cũng có bất thường sau tiêm chủng gồm 2 trẻ sốc phản vệ độ 3 và 2 trẻ có phản ứng sốt cao sau tiêm chủng. Hiện 4 trẻ này sức khỏe ổn định. 

Sở Y tế Sơn La cho biết đã niêm phong toàn bộ các loại vắc xin và lấy mẫu gửi về văn phòng tiêm chủng mở rộng khu vực miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương. Ngoài ra, toàn bộ hoạt động tiêm chủng tại các trạm y tế với các lô thuốc nêu trên cũng được tạm dừng. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế sẽ họp đánh giá và đưa ra kết luận về nguyên nhân tử vong, dự kiến sẽ có trong sáng 15/10.

Theo thống kê về tình hình phản ứng sau tiêm chủng trong 3 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận ghi nhận 3.982 trường hợp phản ứng thông thường và 18 trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng. Về phản ứng thông thường sau tiêm chủng, ghi nhận các trường hợp phản ứng tại chỗ (sưng, nóng, đỏ đau tại vị trí tiêm), sốt dưới 39 độ C và các triệu chứng khác.

Họp hội đồng chuyên môn tìm nguyên nhân 2 trẻ tử vong sau tiêm vắc xin - 2
Tỷ lệ tai biến nặng sau tiêm chủng theo nguyên nhân trong 3 tháng đầu năm.

Về tai biến nặng sau tiêm chủng, có 17 trường hợp trong chương trình tiêm chủng mở rộng và 1 trường hợp trong tiêm chủng dịch vụ. Các trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng các vắc xin trong tiêm chủng mở rộng ghi nhận tại 5 tỉnh, thành phố, bao gồm: Hà Nội (8), Sơn La (6), Nam Định (1), Đà Nẵng (1) và Bà Rịa - Vũng Tàu (1). 

Trong số này, có 13 trường hợp tai biến nặng sau tiêm vắc xin 5 trong 1 (1 trường hợp sau tiêm vắc xin ComBE Five và 12 trường hợp sau tiêm vắc xin do SII sản xuất) trên tổng số 923.487 liều vắc xin 5 trong 1 sử dụng.

Trong số các trường hợp đã được Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng thì có 7 trường hợp phản ứng phản vệ do đặc tính cố hữu của vắc xin (63,6%); 1 trường hợp do trùng hợp ngẫu nhiên (9,1%); 3 trường hợp không rõ nguyên nhân (27,3%).

Không có trường hợp nào thuộc một trong 3 nhóm nguyên nhân: do chất lượng của vắc xin, do thực hành tiêm chủng, do lo sợ. Các trường hợp tai biến nặng đều được tiêm chủng theo đúng quy trình.

Nếu một chất đưa vào người gây phản ứng mạnh hơn gọi là phản vệ hay dị ứng, bản chất là phản ứng bảo vệ của cơ thể, nhưng nếu mạnh quá dẫn đến sốc. Nếu sốc phản vệ không được xử trí cấp cứu ngay lập tức, bệnh nhân có thể tử vong.

Phản ứng phản vệ có thể xảy ra tức thì, trong một vài giây, chậm hơn có thể tới nhiều giờ. Theo các bác sĩ không thể nói trước được một người nào có thể xảy ra phản ứng phản vệ hay không. Vì thế, điều quan trọng là phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời.