1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hôn mê do hạ đường huyết

Tôi bị bệnh đái tháo đường týp 2 vài năm nay, thỉnh thoảng có xảy ra tình trạng choáng ngất, vã mồ hôi. Xin bác sĩ cho biết tình trạng này là gì và phai phòng bệnh như thế nào? Nguyễn Thị Bằng (Hà Nam)

Tình trạng của chị là biểu hiện của hôn mê do hạ đường huyết, nguyên nhân thường do mắc sai lầm trong điều trị, do dùng thuốc hạ đường huyết quá nhiều, đó là insulin hay sulfamid, hoặc là giai đoạn đầu của đái tháo đường, đường huyết chưa ổn định. Đặc biệt nếu người bệnh đái tháo đường nhịn ăn quá mức, hoạt động thể lực nhiều, có kèm theo bệnh suy thận, bệnh tim mạch (dùng thuốc chẹn bêta và giãn mạch vành). Càng nguy hiểm hơn nếu có bệnh dạ dày, bệnh nội tiết.

 

Đối với những bệnh nhân khi thấy có dấu hiệu hạ đường huyết như mệt mỏi, hoa mắt, vã mồ hôi... phải nhanh chóng ăn nhẹ như cháo loãng, súp hoặc uống một cốc (200ml) nước đường, để người bệnh nằm nghỉ ngơi yên tĩnh, khi người bệnh tỉnh táo trở lại nên được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.

 

Đối với người bệnh đái tháo đường bị hạ đường huyết nên sử dụng dung dịch ngọt ưu trương 30% ngay từ khi có nghi ngờ hạ đường huyết, đặc biệt trước một rối loạn thần kinh cấp xảy ra trên bệnh nhân đang được điều trị bằng insulin hoặc sulfamid. Khi tiêm cần tiêm rất chậm, liều sử dụng không quá 60ml, sau đó thay bằng truyền nhỏ giọt dung dịch ngọt 10 - 15%. Tiêm glucose tĩnh mạch đồng thời cũng là test chẩn đoán có giá trị lớn, các dấu hiệu hôn mê sẽ mất ngay tức thì. Cũng có thể tiêm glucagon (tiêm bắp hay tĩnh mạch cũng có tác dụng tương tự).

 

Để phòng bệnh, chị không nên nhịn đói, hoặc để cơ thể bị đói quá lâu, không nên nhịn ăn mà hoạt động thể lực quá mức. Nhất thiết không được bỏ bữa sáng, không nên quá nóng vội mà dùng quá liều insulin mà phải tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên ở người đái tháo đường, vấn đề quan trọng là phải luôn kiểm soát đường huyết chặt chẽ, tránh những biến chứng đáng tiếc xảy ra.

 

Theo BS Trần Quốc Minh

Sức khỏe & Đời sống