Hơn 20% mẫu rau quả, mỳ có axit Oxalic | Báo Dân trí
  1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hơn 20% mẫu rau quả, mỳ có axit Oxalic

(Dân trí) - Kết quả giám sát của Cục An toàn thực phẩm cho thấy 58 mẫu phát hiện có acid oxalic (chiếm 22,05%), chủ yếu phát hiện trong các sản phẩm rau quả tươi, bột mỳ và một số sản phẩm chế biến từ bột mỳ (mỳ gói, mỳ sợi).

Hơn 20% mẫu rau quả, mỳ có axit Oxalic

Khi phát hiện sự có mặt của acid oxalic trong một số sản phẩm thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm đã chủ động yêu cầu các Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp với các đơn vị kỹ thuật thực hiện giám sát chủ động đối với acid oxalic trong các sản phẩm rau, củ quả tươi; bột mỳ, mỳ gói, mỳ sợi; gạo, bún, bánh phở, bánh canh, bánh hỏi…

 

Theo đó, kết quả giám sát đến ngày 19/12/2013 trên tổng số 263 mẫu cho thấy 58 mẫu phát hiện có acid oxalic (chiếm 22,05%), hàm lượng dao động từ 10,7 đến 1809 mg/kg. Chủ yếu phát hiện trong các sản phẩm rau quả tươi, bột mỳ và một số sản phẩm chế biến từ bột mỳ (mỳ gói, mỳ sợi). Trong các mẫu phát hiện acid oxalic có:

 

- 08 mẫu mỳ gói có hàm lượng acid oxalic từ 31,9-177 mg/kg trong đó 05 mẫu mỳ gói ngoại của nước ngoài có hàm lượng từ 31,9-71,3mg/kg.

 

- 01 mẫu bột mỳ nhập ngoại có hàm lượng acid oxalic là 110mg/kg.

 

- Một số mẫu rau củ quả tươi cũng chứa acid oxalic với hàm lượng dao động từ 10,7-1.809mg/kg tùy theo chủng loại.

 

Từ các thông tin trên, có thể thấy rằng acid oxalic (muối oxalat) tồn tại sẵn có trong một số loại thực phẩm, khó khăn để phân biệt giữa acid oxalic tồn tại tự nhiên với acid oxalic chủ động cho vào thực phẩm.

 

Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sử dụng, nên lựa chọn thực phẩm bao gồm cả các loại rau củ quả tươi phù hợp với tình hình sức khỏe, đối với những người có nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan đến tạo sỏi trong cơ thể tránh sử dụng các thực phẩm giàu acid oxalic; khi sử dụng các thực phẩm giàu acid oxalic (muối oxalat), cần chú ý tăng cường uống nước để tăng đào thải; thực hiện các biện pháp sơ chế, chế biến có tác dụng làm giảm acid oxalic như ngâm, rửa, luộc, rang… phù hợp với đặc tính của từng nguyên liệu thực phẩm cũng như sản phẩm thực phẩm có nguy cơ cao được khuyến cáo.

 

Hàm lượng acid oxalic trong một số sản phẩm rau, củ, quả
(Nguồn: Sổ tay Nông nghiệp Hoa Kỳ)

 

STT

Tên thực phẩm

Hàm lượng (mg/kg)

1

Bắp cải (Cabbage)

1000

2

Súp lơ trắng (Cauliflower)

1500

3

Súp lơ xanh (Broccoli)

1900

4

Cải brutxen (Brussels sprouts)

3600

5

Các loại rau cải xanh (Collards)

4500

6

Rau diếp (Lettuce)

3300

7

Cần tây (Celery)

1900

8

Rau chân vịt (Spinach)

9700

9

Đậu quả xanh (Beans, snap)

3600

10

Cà rốt (carrot)

5000

11

Cà tím (Eggplant)

1900

12

Rau mùi tây (Parsley)

170000

13

Củ cải (Radish)

4800

14

Khoai lang (sweet potato)

2400

15

Sắn (cassava)

12600

16

Tỏi (garlic)

3600

 
Nhân Hà