Hơn 10 giờ đồng hồ cứu sống bé sơ sinh ngừng thở trên đường đến viện
(Dân trí) - Bị nhiễm khuẩn sơ sinh, bé trai chưa đầy một tháng tuổi đã ngừng thở ngay trên đường đến bệnh viện. Trong 10 giờ đồng hồ, các y, bác sĩ đã thay nhau bóp bóng để duy trì sự sống cho bệnh nhi.
Bé trai V.A.T chào đời tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ vào ngày 25/10. Ngay sau sinh bé có dấu hiệu suy hô hấp và phải phụ thuộc oxy. Bé trai nhanh chóng được chuyển lên Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ để điều trị.
Tuy nhiên, trên đường di chuyển xuống Bệnh viện, bé T. xuất hiện cơn ngừng thở, buộc các bác sĩ phải thực hiện bóp bóng để duy trì sự sống cho bệnh nhi.
Vào thời điểm được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi, bé T. đã tím tái, các chỉ số sinh tồn đều không đạt, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu) chỉ còn khoảng 35% (trong khi chỉ số này ở trẻ sơ sinh bình thường là trên 90%), nguy cơ tử vong cao.
Qua thăm khám ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc nhiễm khuẩn sơ sinh rất sớm trên nền bệnh màng trong.
Các bác sĩ khoa Sơ sinh đã ngay lập tức tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản. Đồng thời sử dụng đến 4 loại thuốc vận mạch và hỗ trợ hô hấp bằng máy thở cao tần HFO.
Tuy nhiên, vì bệnh nhi gần như không đáp ứng với máy thở, nên các y, bác sĩ đã phải thay nhau bóp bóng hỗ trợ cho bé liên tục trong hơn 10 giờ đồng hồ. May mắn mỉm cười khi tình trạng sức khỏe của trẻ cải thiện và bước đầu đáp ứng với các phương pháp điều trị.
Bé T. cai được máy thở sau 3 ngày điều trị tích cực, có thể tự thở hoàn toàn và tiếp tục được dùng kháng sinh điều trị tình trạng nhiễm trùng.
Sau hơn 10 ngày điều trị trong phòng chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện, bệnh nhi đã tiến triển rất tốt, bé ăn tốt, ngủ tốt, tình trạng ổn định và được đưa ra ghép mẹ.
Theo BS Hoàng Thị Ngôn - Khoa Nhi Sơ sinh, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ, nhiễm khuẩn sơ sinh sớm ở trẻ là bệnh lý vô cùng nguy hiểm, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí trong một số trường hợp nhiễm trùng nặng có thể dẫn đến tử vong. Hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn sơ sinh sớm đều do lây truyền từ mẹ sang con, do trong quá trình mang thai người mẹ bị các bệnh hoa liễu hoặc viêm nhiễm đường sinh dục, đường tiểu... không được điều trị kịp thời hoặc điều trị chưa đủ liệu trình. Ngoài ra, mẹ gặp tình trạng sốt trước, trong hoặc sau sinh 24 giờ, nước ối vỡ trên 18 giờ, thời gian chuyển dạ trên 12 giờ, ối bẩn hoặc nhiễm khuẩn ối cũng có thể là nguy cơ dẫn đến tình trạng nhiễm khuẩn sơ sinh ở trẻ.
Do đó, BS Ngôn khuyến cáo các chị em phụ nữ trước khi mang thai cần thực hiện tiêm chủng đầy đủ. Trong quá trình mang thai, sản phụ cần chú ý chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt hợp lý, thực hiện khám thai định kỳ đầy đủ, nếu được chẩn đoán mắc các bệnh nhiễm trùng hoặc có nguy cơ cao mắc các bệnh nhiễm trùng, cần áp dụng các biện pháp phòng bệnh để ngăn ngừa các nguy cơ cho em bé. Đặc biệt, sản phụ cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ trang thiết bị hỗ trợ, chăm sóc cần thiết để kịp thời xử trí các tình huống xấu có thể xảy ra.