Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Loại đang hiện hành ở Việt Nam dùng công nghệ gì?

(Dân trí) - Hiện tại có những công nghệ nào đang được các hãng trên thế giới sử dụng để sản xuất vắc xin Covid-19?

Câu hỏi: Tôi nghe nói cùng là vắc xin Covid-19 nhưng mỗi hãng lại có công nghệ sản xuất khác nhau, xin tòa soạn cho biết một số công nghệ sản xuất vắc xin Covid-19 phổ biến hiện nay?

Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Loại đang hiện hành ở Việt Nam dùng công nghệ gì? - 1

Tiêm vắc xin Covid-19.

Trả lời:

Theo các thông tin đã được công bố, hiện nay có nhiều công nghệ khác nhau để sản xuất vắc xin Covid-19, có thể kể đến một số công nghệ tiêu biểu như:

Công nghệ vắc xin mARN

mARN hay còn gọi là ARN thông tin là vật liệu di truyền chứa thông tin mã hóa để cơ thể tổng hợp protein. Trong vắc xin mARN sẽ chứa mARN được bọc trong một lớp phủ.

Khi vắc xin mARN được tiêm vào cơ thể, các mARN sẽ đi vào và nằm bên trong các tế bào miễn dịch, kích thích các tế bào tạo ra các mảnh protein (tương tự như gai của virus SARS-CoV-2). Sau khi mảnh protein được tạo ra, tế bào sẽ phá vỡ các mARN và loại bỏ chúng. Tiếp theo, các tế bào sẽ hiển thị các mảnh protein lên trên bề mặt, hệ thống miễn dịch của cơ thể sẽ nhận ra rằng các mảnh protein không thuộc về cơ thể và bắt đầu tạo ra các phản ứng miễn dịch và tạo ra kháng thể chống lại các mảnh protein này, điều này giống như những gì xảy ra khi nhiễm SARS-CoV-2 tự nhiên. Sau một thời gian, cơ thể học được cách bảo vệ chống lại sự lây nhiễm SARS-CoV-2 trong tương lai. 

Một số loại vắc xin Covid-19 được phát triển bằng công nghệ mARN có thể kể đến như: vắc xin của Pfizer-BioNTech, vắc xin của Moderna, vắc xin ARCT-154 của Arcturus...

Công nghệ vắc xin bất hoạt

Công nghệ này lấy chính các virus gây bệnh đã bị bất hoạt bằng cách sử dụng hóa chất, nhiệt hoặc bức xạ. Công nghệ này đã được chứng minh là có hiệu quả và đây là cách sản xuất ra các vắc xin cúm và bại liệt, với loại vắc xin này có thể được sản xuất ở quy mô hợp lý. Tuy nhiên, đòi hỏi các cơ sở phải có những phòng thí nghiệm đặc biệt để nuôi cấy virus hoặc vi khuẩn một cách an toàn, đòi hỏi thời gian sản xuất tương đối dài và có thể sẽ cần tiêm nhắc lại 2 hoặc 3 liều.

Một số loại vắc xin Covid-19 được sản xuất bằng công nghệ này như: CoronaVac, BBIBP-CorV…

Vắc xin vectơ virus

Sử dụng một loại virus an toàn để cung cấp các thành phần cụ thể của virus gây bệnh (thường là protein) để nó có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch của cơ thể mà không gây bệnh. Để làm điều này, đòi hỏi phải đưa một vài bộ phận cụ thể của virus gây bệnh vào bên trong một virus an toàn. Sau đó, virus an toàn đóng vai trò như một vectơ để đưa protein của virus gây bệnh vào cơ thể. Protein này sẽ kích hoạt phản ứng miễn dịch. Vắc xin Ebola là điển hình của loại vắc xin vectơ virus.

Một số loại vắc xin Covid-19 được sản xuất bằng công nghệ này như: vắc xin Covivac của Ivac, vắc xin của Johnson & Johnson…

Vắc xin protein

Vắc xin này bao gồm các mảnh protein tinh khiết của virus SARS-Cov-2. Sau khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch ghi nhận rằng protein này là "kẻ xâm nhập" và phản ứng miễn dịch tạo ra kháng thể. Đồng thời, vắc xin giúp tế bào ghi nhớ nhận diện tác nhân gây bệnh, tiến hành tiêu diệt chúng nếu bị tấn công trong tương lai.

Một số loại vắc xin Covid-19 được sản xuất bằng công nghệ này như: vắc xin Nanocovax của Nanogen, vắc xin NVX-CoV2373 của Novavax...

Bộ Y tế Việt Nam hiện đã cấp phép cho 6 loại vắc xin phòng Covid-19, được lưu hành sử dụng tại nước ta, cụ thể:- Vắc xin AZD1222 của AstraZeneca: Được phát triển dựa trên công nghệ vectơ.- Vắc xin Sputnik V của Viện Nghiên cứu Gamaleya: Được phát triển dựa trên công nghệ vectơ.- Vắc xin Vero Cell của Sinopharm: Được phát triển dựa trên công nghệ virus bất hoạt.- Vắc xin Comirnaty của Pfizer/BioNTech: Được phát triển dựa trên công nghệ mARN.- Vắc xin Spikevax của Moderna: Được phát triển dựa trên công nghệ mARN.
- Vắc xin Janssen của Janssen Pharmaceutica NV và Janssen Biologics B.V: Được phát triển dựa trên công nghệ vectơ. Hiện nay, Việt Nam chưa tiếp nhận vắc xin này.

Chi tiết bạn có thể xem thêm tại đây.