Hỏi đáp vắc xin Covid-19: Vắc xin có giảm hiệu quả với biến thể Delta?
(Dân trí) - Tôi thấy nhiều người tiêm vắc xin vẫn mắc Covid-19, phải chăng vắc xin đã giảm hiệu quả với biến thể Delta?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện nay đang có 7 vắc xin Covid-19 được cơ quan này phê duyệt vào danh sách sử dụng khẩn cấp, gồm: Pfizer/BionNTech, AstraZeneca của Oxford , AstraZeneca của Viện huyết thanh Ấn Độ, Jannssen, Moderna, Sinnopharm/BBIP và Sinovac.
WHO đang giám sát chặt chẽ hiệu của các vắc xin này trong thực tế, bao gồm ảnh hưởng của các biến thể đáng lo ngại lên hiệu quả của vắc xin. WHO cho biết các dữ liệu tính đến nay cho thấy vắc xin dù có giảm hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh có triệu chứng nhưng vẫn có hiệu quả tốt trong việc ngăn ngừa mắc bệnh nặng Covid-19 bởi biến thể Delta.
WHO cũng đưa ra thông điệp: Hãy tiêm bất kỳ loại vắc xin nào có sẵn khi đến lượt bạn. Vắc xin giúp bảo vệ bạn, gia đình và những người xung quanh bạn.
Về hiện tượng đã tiêm vắc xin mà vẫn mắc bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho biết:
Vắc xin là một trong những biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm hiệu quả và bền vững nhất. Việc nghiên cứu vắc xin thường phải mất 4-5 năm và có vắc xin mất đến 10 năm.
Riêng vắc xin phòng Covid-19 vừa nghiên cứu và sản xuất để đưa ra tiêm đại trà trong chưa đầy một năm nên đều được cấp phép trong điều kiện khẩn cấp hiện nay, chưa biết được thật rõ ràng về việc ngăn cản lây nhiễm Covid-19 ở mức độ nào.
Các vắc xin khác nhau có những hiệu quả phòng bệnh khác nhau, có loại đạt trên 90% nhưng cũng có loại chỉ đạt trên 60%. Tuy vậy, chắc chắn sau tiêm vắc xin Covid-19 làm giảm nhẹ được triệu chứng mắc bệnh nặng cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
Bên cạnh tiêm vắc xin, việc thực hiện 5K là vô cùng cần thiết để phòng nguy cơ mắc Covid-19.
PGS.TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam cho biết, không có một loại vắc xin nào phòng ngừa được 100%.
Với vắc xin Covid-19, khi đã tiêm mà vẫn mắc bệnh, thì triệu chứng nhẹ hơn người chưa tiêm. Tỉ lệ tử vong với người đã được tiêm thấp hơn rất nhiều (rất hiếm tử vong) với người chưa được tiêm vắc xin.
Vì thế, sau tiêm vắc xin Covid-19, mọi người vẫn cần thực hiện 5K để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Các chuyên gia cũng khuyến cáo người có một trong 20 bệnh nền có nguy cơ làm gia tăng mức độ nặng khi mắc Covid-19 như Bộ Y tế công bố nên tiêm vắc xin phòng Covid-19 khi đủ điều kiện sức khỏe.
Trong đó có bệnh nhân đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác, Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác)...
Những người mắc ung thư, đang điều trị ổn định, nên tiêm vắc xin Covid-19. Bởi đây là nhóm bệnh nhân dễ bị diễn biến nặng nhất khi Covid-19 tấn công. Khi mắc Covid-19, mang sẵn bệnh nền, bệnh dễ diễn biến nặng hơn, thậm chí đe dọa tính mạng người bệnh.