1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Học sinh trở lại trường sau Tết, làm gì để đảm bảo an toàn phòng dịch?

Nam Phương

(Dân trí) - PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, các địa phương nên cho trẻ đi học trở lại, đồng thời tính phương án đảm bảo an toàn cho trẻ như vấn đề 5K, thông thoáng lớp học…

Bộ GD&ĐT vừa gửi công văn đến UBND các tỉnh, thành phố trên cả nước về việc tổ chức dạy học trực tiếp. Theo đó, căn cứ tình hình dịch các địa phương chỉ đạo xây dựng kế hoạch lộ trình cụ thể để tổ chức dạy học trực tiếp cho học sinh, sinh viên trước ngày 14/2.

Sở GD&ĐT, Sở Y tế, các ban ngành liên quan cần hướng dẫn các trường phương án kịch bản phù hợp xử lý tình huống xảy ra trong quá trình tổ chức dạy học trực tiếp tại trường học. Đồng thời tuyên truyền hướng dẫn, tập huấn giáo viên, cha mẹ học sinh để đồng thuận cho trẻ mầm non học sinh đến trường đảm bảo an toàn.

UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản đồng ý trước đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho học sinh các khối lớp 7-12 trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2. Học sinh cấp tiểu học và khối lớp 6 sẽ tiếp tục học trực tuyến. Riêng trẻ mầm non tiếp tục nghỉ học tại nhà.

Học sinh trở lại trường sau Tết, làm gì để đảm bảo an toàn phòng dịch?  - 1

TP Hà Nội sẽ cho học sinh các khối lớp 7-12 trên địa bàn đi học trực tiếp từ ngày 8/2 (Ảnh minh họa: L.Vân).

Theo Bộ Y tế, hiện nay, việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại các tỉnh, thành phố đã đạt tỷ lệ cao: người từ 18 tuổi trở lên được tiêm một mũi đạt 100%, tiêm đủ 2 mũi đạt 96%, tiêm mũi 3 đạt khoảng 19%; trẻ em (12-17 tuổi) tiêm mũi một đạt 94 %, tiêm đủ 2 mũi đạt 82%.

Không chờ đợi tiêm vaccine mới cho trẻ đi học

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết TP Hà Nội cũng như các địa phương nên tính phương án cho trẻ đi học trực tiếp. Lý do vì việc tiêm vaccine cho người từ 18 tuổi trở lên của cả nước đã đạt tỷ lệ cao. Đặc biệt hiện nay chúng ta đang tiếp tục tiêm vét để đảm bảo những người thuộc nhóm nguy cơ cao được tiêm vaccine đầy đủ. Trẻ 12-17 tuổi cũng đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Trong khi thực tế, hầu hết trẻ mắc Covid-19 thuộc nhóm không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhẹ. Và việc tiêm vaccine có giảm được sự lây nhiễm nhưng không phải giúp phòng bệnh được triệt để. Hiện nay yếu tố lây tại gia đình cũng cao hơn trước đây. Nếu để trẻ ở nhà cũng có thể bị lây do thành viên trong gia đình đi ra ngoài trở thành F0 về lây lan ra các em. Nếu nhà trường phòng bệnh tốt có thể lại hạn chế nguy cơ lây lan khi các em đi học. Người tiêm rồi vẫn có thể bị nhiễm bệnh và lây lan cho người khác.

Theo TS Phu, trẻ đã ở nhà quá lâu, nhất là lớp đầu cấp, học trực tuyến thời gian dài không những khiến trẻ khiếm khuyết về kiến thức mà còn vấn đề tinh thần, thể chất vì trẻ không được giao tiếp với thầy cô giáo, với bạn bè.

"Cho trẻ đi học là có rủi ro nhưng không thể cho trẻ ở nhà, học trực tuyến mãi được. Chúng ta không thể về "Zero Covid-19", phải chấp nhận sống chung nhưng phải lưu ý là khi phát hiện F0 thì cần nhanh chóng khoanh vùng, dập dịch càng gọn càng tốt. Không chờ đợi tiêm vaccine mới cho trẻ em đi học", TS Phu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông cần có quy định chặt chẽ về các biện pháp phòng chống dịch cũng như sự phối hợp giữa cơ quan y tế địa phương với nhà trường, giáo viên, gia đình, học sinh.

Ngoài vấn đề 5K thì cần lưu ý, bất kỳ gia đình nào có thành viên hoặc bản thân trẻ bị sốt, ho, khó thở thì trẻ đều phải nghỉ học, khai báo y tế, khai báo với nhà trường để phối hợp với y tế xử lý.

Đồng thời, hạn chế việc giao tiếp giữa các lớp với nhau, để nếu chẳng may phát một trường hợp F0 thì chỉ giới hạn trong lớp đó, không lây ra lớp khác hay lây ra cả trường. Việc đo thân nhiệt cho trẻ cần thực hiện nhưng cần tránh ùn ứ ở cổng trường…

Các trường cũng cần đặc biệt lưu ý vấn đề thông thoáng phòng học, tránh phòng kín.

"Chúng ta cho trẻ đi học trở lại nhưng phải đưa ra các phương án an toàn, trong đó lưu ý 5K, thực hiện tốt 5K có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Khi đã chấp nhận sống chúng thì chúng ta phải xác định việc xác định ca mắc mới là bình thường song phải phát hiện thật nhanh, để khoanh vùng dập dịch càng nhanh càng tốt. Tại nhà trường cũng vậy, nếu dịch chỉ xảy ra tại một lớp mà qua điều tra dịch tễ không có nguy cơ lây cho lớp khác thì chỉ cho lớp đó nghỉ học", TS Phu nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, các bằng chứng hiện tại cho thấy trẻ mắc các bệnh nền có nhiều nguy cơ bị bệnh nặng do nhiễm SARS-COV-2. Còn trẻ em nói chung ít có nguy cơ bị bệnh nặng và tử vong khi mắc Covid-19. Ảnh hưởng lâu dài của đại dịch Covid-19 ở trẻ em vẫn chưa được xác định. Đây là bằng chứng đáng kể cho thấy các trường học có thể mở cửa trở lại một cách an toàn mà không cần tiêm vaccine cho trẻ, đặc biệt là khi có các chiến lược giảm thiểu nguy cơ khác.

Trẻ em, thanh thiếu niên mắc bệnh mãn tính nặng có thể được ưu tiên trong số trẻ ở cùng độ tuổi theo chính sách quy định quốc gia.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm