1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hóc dị vật ở trẻ - SOS

(Dân trí) - “Dị vật đường thở ở trẻ lúc nào cũng ở tình trạng báo động, cần quan tâm đặc biệt vì trẻ có thể bị hóc bất cứ thời điểm nào bởi muôn vàn các tác nhân khác nhau, từ hạt nhãn, vải, hạt mít đên tiền kim loại, bi ve, đầu bút bi...”, BS Lộc nhấn mạnh.

Nhiều tác nhân gây hóc   BS Lộc cảnh báo, hóc dị vật là tiền kim loại ngày càng nhiều. Không ít trường hợp trẻ nhặt đường đồng xu rơi trên sàn liền đưa vào miệng nuốt trôi gây hóc. Bên cạnh đó cũng cần lưu ý các vật dụng dễ gây hóc khác như cúc áo, bi ve, hạt cườm, hạt trái cây, hóc thức ăn…   Bé Nguyễn Thuỳ Tr (Bắc Giang) được người nhà đưa đến BV sau 3 ngày bé bị nuốt vướng, không ăn được. Chị Hà, mẹ cháu Tr cho biết, trước đó, chị có cho cháu ăn nhãn, cháu nuốt cả hạt nhưng thấy cháu vẫn bình thường sau đó nên không bận tâm nữa vì nghĩ hạt đã trôi xuống dạ dày.   Cũng tương tự như trường hợp của Tr, sau một lúc khó chịu, khóc toáng lên, bé M lại trở về trạng thái bình thường nên gia đình càng chủ quan. Nhưng từ đó, bé M hay bị ho dai dẳng. Khi được chuyển đến BV Nhi T.Ư, bé M đã được gắp dị vật là hạt lạc gây chèn ép đường thở.   Hay như mới đây nhất là trường hợp của bé trai kháu khỉnh chưa đầy 1 tuổi Hoàng Bá Thạch (xóm 1 xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) đã phải lìa bỏ cõi đời vì sự bất cẩn của người mẹ: cho con ăn nhãn chưa bỏ hạt khi đang đèo con sau lưng.   Các bác sĩ giải thích, bé bị hóc dị vật ở dạng “hội chứng xâm nhập thoáng qua”. Khi vừa bị hóc, trẻ khó thở, tím tái, hốt hoảng, khóc thét nhưng sau đó dị vật trôi xuống khí quản, phế quản thì giảm hoặc hết triệu chứng. Sau đó, trẻ sẽ khó chịu, có cảm giác khó thở, ho dai dẳng… do dị vật nằm trong thực quản ép vào thanh quản, khí quản.   Dễ nhầm với bệnh khác   Theo BS Nguyễn Văn Lộc, hóc dị vật là tai nạn thường gặp ở trẻ. Mỗi năm, viện nhi tiếp nhận trên dưới 70 trường hợp. Các bé thường nhập viện trong tình trạng cấp cứu với các biểu hiện, khó thở, khò khè… gần giống bệnh viêm phổi, hen phế quản.   Nhất là với những trường hợp dị vật đường thở bị bỏ quên (sau khi hóc, trẻ chỉ khó thở, khóc thét một lúc khi dị vật trôi qua lại thấy dễ chịu) lại càng dễ nhầm lẫn.   BS Lộc cho biết, nếu trẻ bị hóc dị vật đường thực quản thì ngay lúc đó trẻ sẽ có dấu hiệu mắc nghẹn, hốt hoảng, khó thở, khóc thét. Nhưng sau đó, trẻ hết triệu chứng do dị vật đã đi qua khỏi miệng thực quản.   Xử trí và phòng tránh   Cha mẹ cần lưu ý, khi trẻ bị hóc dị vật, tuyệt đối không dùng tay móc họng trẻ, tránh nguy cơ làm dị vật vào sâu hơn, hay có thể làm trầy xước vùng họng, gây phù nề khiến trẻ khó thở hơn.   Trong trường hợp trẻ tím tái, ngưng thở, cần sơ cứu bằng cách dốc ngược đầu trẻ xuống đất và dùng tay vỗ mạnh vào lưng để dị vật qua khỏi thanh môn, trẻ sẽ dễ thở hơn. Sau đó đưa trẻ đến BV gần nhất để được xử trí cấp cứu ngay.   Cách phòng ngừa hữu hiệu nhất là tuyệt đối tránh để trẻ chơi với các đồ chơi nhỏ, dễ vỡ; tiền xu… Còn khi cho trẻ ăn, nên tập cho trẻ thói quen ăn trong yên tĩnh, không cười đùa rất dễ sặc. Đặc biệt tuyệt đối không chiều trẻ, để trẻ ăn các loại trái cây có hạt.   Hồng Hải
Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ