Hoa quả Trung Quốc hàng tháng trời không hỏng: Chuyên gia cảnh báo độc hại - cục vẫn bảo... an toàn!
Trước thông tin trên mạng xã hội cho rằng, hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc được ngâm, tẩm hóa chất độc hại, người tiêu dùng Việt Nam e ngại không dám sử dụng. Nhiều người tiêu dùng đã mua hoa quả về tự “thí nghiệm” và thấy những quả táo, lê, nho… có thể tươi hàng tháng trời. Thế nhưng, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) - Bộ NNPTNT lại khẳng định: Hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam là an toàn.
Mặc áo” Mỹ, Úc cho hoa quả Trung Quốc
Trao đổi với PV Báo Lao Động, chị Nguyễn Thị Năm - chuyên kinh doanh mặt hàng trái cây tại chợ Đồng Xa (Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội), cho biết: Trước đây chỉ chuyên buôn bán các loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc . Nhưng do số lượng người mua ngày càng giảm dần, đặc biệt là từ 2-3 năm nay người tiêu dùng gần như nói “không” với táo, lê Trung Quốc, nên chị gần như không bán hai loại quả này.
Chị Nguyễn Thị Nhiễu (Ứng Hòa - Hà Nội) - chuyên bán hoa quả rong trên các trục phố cũng cho biết: Buôn bán hoa quả ngày càng khó và lợi nhuận không nhiều. Đặc biệt là hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc rất khó bán. Nguyên nhân bởi người tiêu dùng cho rằng, hoa quả có nguồn gốc từ Trung Quốc đều được ngâm, tẩm hóa chất bảo vệ rất độc hại.
Hoa quả Trung Quốc sẽ khó bán - chị Trần Thị Hoài - chủ một sạp hoa quả trên phố Mai Dịch (Cầu Giấy - Hà Nội) cho biết. Cũng theo chị Hoài, nếu khách hàng tinh ý sẽ nhận ra, từ nước Mỹ, Úc xa xôi về đến Việt Nam, một kilôgam nho bán ra chỉ 60-80 nghìn đồng thì làm sao có lãi. Đó chỉ có thể là hàng Trung Quốc chung đường biên mậu mới có giá rẻ như vậy.
Để hàng tháng trời không hỏng...
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Thơ - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật - cho rằng, hoa quả Trung Quốc thường được sử dụng các hóa chất cho thời gian bảo quản rất lâu, lên tới hàng tháng trời, như vậy chắc chắn có độc hại. Nhưng độc hại đến đâu, có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng như thế nào, cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu và đưa ra kết quả.
Về thông tin hai năm gần đây không phát hiện lô hàng nông sản có hóa chất độc hại của Trung Quốc vào Việt Nam, ông Nguyễn Thơ cũng bày tỏ e ngại: Liệu hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam là sạch thật, hay họ sử dụng loại hóa chất mà điều kiện kỹ thuật của Việt Nam chưa thể phát hiện ra?
Lý giải vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Lê Sơn Hà - Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật - Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) - khẳng định: Sở dĩ nhiều loại hoa quả nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam để được hàng tháng trời là do hiện nay được sử dụng loại sáp để “bao” bên ngoài chống lại sự thoát hơi nước để giữ hoa quả tươi lâu hơn, đồng thời ngăn cản sự xâm nhập của nấm mốc và các loại vi sinh vật gây thối, hỏng. Thực ra, tùy loại quả, do đặc điểm sinh học thì để được lâu hơn. Lê, táo, cam, quýt được dùng sáp sinh học (ăn được) để phủ bên ngoài. Loại sáp này an toàn, có tác dụng giảm hô hấp để quả ít thoát hơi nước, giảm vi sinh vật, ngăn nấm gây hại xâm nhập, chống mốc lâu hơn.
Cục BVTV cũng đã có đề tài lấy mẫu tất cả các loại quả có trên thị trường để quét xem có hóa chất bảo quản nào không thì vẫn chưa phát hiện ra hóa chất nào vượt ngưỡng cho phép vi phạm quy định của Việt Nam. Mặc dù vậy, Cục BVTV vẫn tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra theo đúng quy định, không để lọt các hoa quả không đảm bảo an toàn vào Việt Nam.
“Toàn bộ hoa quả Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam cả đường tiểu ngạch và chính ngạch đều được kiểm dịch thực vật, nếu vi phạm quy định của Việt Nam đều không được nhập khẩu” - ông Lê Sơn Hà khẳng định.
Về câu hỏi liệu điều kiện kỹ thuật, kinh phí cũng như khả năng của Cục BVTV có theo kịp để phát hiện các hóa chất độc hại được ngâm tẩm trong hoa quả Trung Quốc, ông Lê Sơn Hà cho rằng, Cục BVTV luôn cập nhật vào các trang web cảnh báo sớm của Châu Âu (EU) cũng như chương trình cảnh báo của Mỹ, Úc… “Năng lực kiểm tra của Việt Nam hiện nay cũng tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới. Trong đó, một trung tâm kiểm dịch thuốc BVTV ở phía bắc và một trung tâm ở phía Nam đều có khả năng quét tương đương với các phòng kiểm nghiệm trên thế giới và được cấp chứng chỉ quốc tế ISSO 17025.
Tuy nhiên, có những loại hóa chất quá mới, thì không riêng gì Việt Nam, các nước tiên tiến trên thế giới cũng gặp phải khó khăn. Khi hóa chất quá mới và chưa biết được hóa chất nào thì ngay cả Mỹ, EU cũng gặp khó khăn nhưng xác suất này cực nhỏ, rất hiếm gặp. Mặc dù vậy, xét một cách toàn diện thì hiện nay tất cả hoa quả nhập khẩu từ các nước vào Việt Nam hiện nay đều được kiểm tra theo đúng quy định của Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Trao đổi với PV Báo Lao Động chiều 12.9, PGS-TS Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội - cho rằng: Các kỹ thuật để bảo quản hoa quả mỗi loại có cách bảo quản khác nhau. Việc đầu tiên là sốc lạnh để các hoạt động giảm xuống tối thiểu để không tiếp tục chín nữa, sẽ để được rất lâu. Thứ hai là có thể làm cho khả năng trao đổi ô xy với bên ngoài giảm xuống tối thiểu sẽ làm chậm chín, chậm hỏng. Cách cuối cùng sử dụng chất ngoại lai khác như: Tạo lớp màng để phủ bên ngoài vỏ quả hoặc dùng các hóa chất để giảm sự trao đổi chất ở vỏ hoa quả. Một số chất sát trùng, sát nấm có thể khiến nấm, vi khuẩn không thể phát triển nên không làm thối hoa quả. Việc bảo quản hoa quả có hàng trăm năm nay. Nay có danh mục có thể cho phép sử dụng để bảo quản hoa quả.
Tất cả các chất được phép sử dụng trong danh mục thì không ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhưng các nhà độc học đều khẳng định: Không có chất nào độc cũng không có chất nào không độc. Độc hay không là do liều lượng mình nhận vào. Nếu đã sử dụng thuốc bảo quản theo đúng quy trình thì không ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu bất kỳ chất nào sử dụng vào trong cơ thể quá liều đều là chất độc, ví dụ như mật ong nếu uống 1 thìa thì bổ, nhưng nếu uống 100ml mật ong đặc vào trong dạ dày thì bị ngộ độc. Vì vậy, ngộ độc hay không là do liều lượng. Nếu liều lượng dùng đúng quy cách, quy định và đúng danh mục cho phép sử dụng thì an toàn.
TS Trần Đáng: Tôi khẳng định đã là hóa chất là độc!
TS Trần Đáng - Nguyên Cục trưởng Cục ATTP (Bộ Y tế) khẳng định: Đã là hóa chất BVTV là độc hại, dù trong danh mục cho phép hay không cho phép. Loại nào cũng độc, dù loại được phép sử dụng cũng đều độc cả, chỉ có thể là đỡ độc hơn nếu dùng đúng liều lượng, đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng thời gian cách ly. Nhiều hóa chất gây ung thư, gây kích ứng đường tiêu hóa nhiều lần thì gây ung thư. Một số hóa chất hiện nay được phép dùng vẫn gây ung thư, ví dụ như hóa chất để diệt nấm mốc, sâu bệnh của cây, nếu dùng để tẩm ướp hoa quả (để diệt nấm mốc chống lên men-PV) sẽ gây ung thư. Tôi khẳng định: Đã là hóa chất là độc.
Theo Phong Nguyên
Lao động