Hít phải khói thuốc lá khiến trẻ dễ mắc bệnh gan nguy hiểm khi trưởng thành
(Dân trí) - Mối liên kết đầy bất ngờ về hút thuốc lá thụ động và gan nhiễm mỡ vừa được chỉ ra trong một nghiên cứu của Phần Lan.
Mối liên quan giữa khói thuốc và gan nhiễm mỡ
Tỷ lệ mắc bệnh gan nhiễm mỡ là khoảng 15-30% ở các nước phương Tây. Trong khi Đài Loan, các nước Đông Nam Á, Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc tỷ lệ này vẫn liên tục tăng lên hàng năm, khoảng 15% - 45%.
10% - 25% bệnh nhân gan nhiễm mỡ sẽ bị viêm hoặc thậm chí hoại tử, tức là viêm gan nhiễm mỡ. Khoảng 1,5% đến 8,0% gan của những bệnh nhân này sẽ dần dần từ xơ hóa gan thành xơ gan, và cuối cùng có 0,5% khả năng bị ung thư gan.
Một bài báo nghiên cứu gần đây của Phần Lan đã cho thấy mối liên kết bất ngờ giữa khói thuốc lá và bệnh gan nhiễm mỡ.
Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên những dữ liệu thu thập từ năm 1980 trở lại đây, với gần 3.600 trẻ em và thanh thiếu niên từ 3-18 tuổi.
3.600 trẻ này đều có bố hoặc mẹ hút thuốc trong giai đoạn 1980-1983. Tiến hành xét nghiệm các đối tượng nghiên cứu trong giai đoạn 1980-1983 đều cho kết quả dương tính với cotinine (một chất chuyển hóa chính của nicotine) trong máu của họ. Điều này cho thấy rằng họ đã tiếp xúc với khói thuốc thụ động.
Tiếp tục theo dõi nhóm trẻ cho đến năm 2011, vẫn còn hơn 2.000 đối tượng trong nghiên cứu dương tính cotinine, trong đó 1.315 đối tượng chưa từng hút thuốc, nhưng có tiền sử tiếp xúc với khói thuốc.
Dựa trên tiền sử tiếp xúc với khói thuốc và kết quả siêu âm gan ở lần tái khám cuối cùng vào năm 2011, nhóm nghiên cứu đã tính toán mức độ ảnh hưởng của việc tiếp xúc với khói thuốc từ thuở nhỏ đối với nguy cơ khởi phát gan nhiễm mỡ trong giai đoạn phát triển sau này như sau:
Nếu chỉ tiếp xúc với khói thuốc khi ở tuổi vị thành niên (3-18 tuổi) hoặc trưởng thành, bạn sẽ có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ (NAFLD) khi lớn lên (34-49 tuổi) khoảng 35% -41%.
Nếu tiếp xúc với khói thuốc ở cả tuổi vị thành niên và tuổi trưởng thành, nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ sẽ tăng lên 99%.
Theo lý giải của nhóm nghiên cứu, hóa chất nicotine trong thuốc lá nếu hít phải lâu dài sẽ gây ra sự kích hoạt của một loạt các chuyển hóa dây chuyền, khiến một số lượng lớn tế bào mỡ tích tụ ở gan. Nếu tình trạng này liên tục xảy ra sẽ gây gan nhiễm mỡ.
Thực tế cho thấy, dù ở giai đoạn nào việc tiếp xúc với khói thuốc đều không tốt với sức khỏe lá gan nói riêng và sức khỏe tổng thể nói chung.
Bên cạnh việc khuyên dạy con cái nói không với thuốc lá. Chính các bậc phụ huynh cũng nếu từ bỏ thói quen xấu này (nếu có) để bảo vệ sức khỏe của chính các thành viên trong gia đình.
Chủ quan với gan nhiễm mỡ có thể đối mặt ung thư gan
Gan nhiễm mỡ là bệnh lý khá phổ biến hiện nay, nếu được phát hiện sớm và có biện pháp can thiệp phù hợp bệnh không gây nguy hiểm tới sức khỏe và có thể khỏi hoàn toàn. Tuy vậy, bệnh gan nhiễm mỡ diễn biến âm thầm vì quá trình tích lũy mỡ diễn ra từ từ, triệu chứng lâm sàng nghèo nàn nên người bệnh thường không nhận thấy và dễ bỏ qua bệnh. Bệnh gan nhiễm mỡ được chia làm các cấp độ sau:
Gan nhiễm mỡ độ 1
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 là cấp độ nhẹ nhất trong các cấp độ của bệnh gan nhiễm mỡ. Bệnh gan nhiễm mỡ độ 1 chưa nguy hiểm tới sức khỏe, người bệnh có thể phục hồi bệnh hoàn toàn nếu phát hiện sớm và được điều trị đúng cách.
Gan nhiễm mỡ độ 2
Bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 là bệnh gan được chẩn đoán dựa trên siêu âm gan cho thấy độ hồi âm ở nhu mô gan lan tỏa mạnh hơn, khó xác định những đường bờ tĩnh mạch và cơ hoành trong gan giảm. Bệnh gan nhiễm mỡ độ 2 tuy chưa nguy hiểm tới sức khỏe nhưng bệnh dễ chuyển sang giai đoạn 3 - giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ độ 3
Ở giai đoạn 3, các mô mỡ làm giảm chức năng gan, gan không thể thực hiện việc thải độc, thanh lọc cơ thể như bình thường. Bệnh dễ bị chuyển thành xơ gan, ung thư gan.