Hình ảnh kinh hoàng của nạn nhân kiến ba khoang

Thời điểm này, cư dân ở các khu chung cư đang “khóc ròng” vì dịch kiến ba khoang đang hoành hành trở lại.

Đập kiến chết, người cũng “sống dở chết dở”

Như Quỳnh ở chợ Cống Vị (Đội Cấn, Ba Đình) đến giờ vẫn còn chưa hết bàng hoàng: “Từ khi bị đốt tới nay, mấy hôm đầu còn phân vân là bị zona hay kiến ba khoang đốt. Rồi mình nhìn lên tường, bóng đèn, trần nhà thì thấy rất nhiều con kiến nhỏ, có 2 khoang đen với 1 khoang đỏ ở giữa, đuôi nhọn, cánh cực nhỏ và ngắn, đầu đen, thân mình dài, tôi mới vỡ lẽ mình đã bị kiến ba khoang đốt" - Quỳnh cho biết

Cũng chính sự lầm tưởng tai hại này, Quỳnh huơ huơ đập “con mối” cứ vo ve khó chịu này. Kết quả axit từ trong người kiến ba khoang bị vỡ, bắn vào mặt khiến mắt Quỳnh bị sưng húp và tiết nhiều dịch nhầy. Bác sỹ kết luận, Quỳnh bị phù bỏng mi mắt và viêm kết mạc. “Dù đã uống thuốc nhưng càng ngày, mình càng thấy đau, mắt càng sưng mọng nước, thỉnh thoảng, mình phải lấy giấy thấm không mắt sẽ bị keo dính lại, không thấy gì nữa” - Quỳnh khóc ròng.

Hình ảnh kinh hoàng của nạn nhân kiến ba khoang
Axit từ trong người kiến ba khoang bị vỡ, bắn vào mặt khiến mắt Quỳnh bị sưng húp và tiết nhiều dịch nhầy

Chị K.T, dược sỹ của một hiệu thuốc trong khu đô thị Mễ Trì (Mỹ Đình) cho biết thêm, gần đây, rất nhiều người đến hỏi mua thuốc điều trị kiến ba khoang. Dược sỹ này lý giải, gần mùa gặt, kiến ba khoang bị mất môi trường sống và mất thức ăn, nên thường xâm nhập vào các khu dân cư. Buổi tối, kiến ba khoang bị hấp dẫn bởi đèn điện nên thường bay vào trong nhà. Chị nói đã có người bị 3 – 4 ngày mới chạy ra hiệu thuốc hỏi, vì nghĩ mình bị zona thần kinh, đến khi mắt sưng húp, chảy dịch nhày thì mới tá hỏa. Những trường hợp đó, chị không kê đơn vì khi nọc kiến đã chạm tới mắt thì phải đi viện mắt để khám, vì có nguy cơ bị bỏng mắt, rất nguy hiểm. Chị phân trần, nếu ai “vui tính” lỡ tay đụng chạm đến con kiến này, sẽ ngay lập tức nhận thiệt hại về mình.

Lập mưu “sống chung với lũ”

Chưa có điều kiện chuyển trọ, nên Quỳnh (Cống Vị - Ba Đình) đã quyết định “sống chung với lũ”. Vì kiến ba khoang thích ánh sáng nên cô đã chọn việc bật đèn pin nhằm thu hút kiến ở tầng 1, đồng thời mắc màn lên gác xép để ngủ. Quỳnh thấm thía đúc rút kinh nghiệm từ bản thân:

Không nên bật đúng 1 bóng đèn trong khi cửa sổ mở, rồi ngồi bên bóng đèn, (ví dụ ngồi học, ngồi dùng máy tính...); Hai là không nên vợt bất cứ con nào bay qua bay lại, vì kiến ba khoang rất dễ vợt, chứ không phải nhanh như muỗi hay ruồi, nên rất dễ bị dính bẫy. Ba là không ăn mặc quá “mát mẻ”. Kiến ba khoang thích thơm tho (không phải như nhặng nhé) nên bạn tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc “mát mẻ” ngồi chơi là rất dễ dính đòn.

Và tiên quyết thả màn và tuyệt đối tránh dùng điện thoại khi ngủ. Ánh sáng điện thoại rất dễ tụ tập kiến. Nên bật quạt, kiến sẽ đỡ đi nhiều.

Chị Hoàng Điệp (35 tuổi, giáo viên dạy lớp 3 tại trường Vinschool), sống trong khu đô thị Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) kể từ khi trời bắt đầu nắng, ngày nào nhà chị cũng phải bắt được chục con kiến ba khoang là ít. Mặc dù trong nhà thường xuyên có kiến ba khoang, lại có con nhỏ và nhận dạy kèm học sinh tại nhà, nhưng chị Điệp tự tin, các cháu chưa bao giờ bị kiến đốt.

Vì các thuốc diệt kiến thông thường ít tác dụng với kiến ba khoang, lại gây dị ứng cho các cháu, nên chị đành dùng chiêu “phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Chị Điệp lý giải, mình đã truyền đạt kiến thức cho con nên các con đã tự nhận thức được tác hại của kiến ba khoang và cách tránh xa nó. Mình luôn dặn các cháu đeo găng tay hay dùng giấy ăn để diệt kiến, hay phẩy nhẹ miễn sao đừng để cơ thể kiến bị nát dính vào da, gây bỏng.

Chị Hoàng Điệp cũng cho biết, trẻ em phản ứng khá nhạy bén khi gặp kiến ba khoang là do các cháu đã được tiếp thu phần kiến thức ở trường học. Tại trường, ở bộ môn Tự nhiên Xã hội lớp 3, phần kiến thức về động vật, tiết tự chọn, các em đã tự thu thập tư liệu và hình ảnh, làm Powerpoint trình chiếu về loài kiến ba khoang cũng như các bệnh và cách phòng tránh.

Anh Thanh Giang, chủ một khu chung cư trên đường Đê La Thành cho biết: “Kiến ba khoang có mà cả nước có, quanh năm có, điển hình là những khu chung cư, nhà cao tầng. Trẻ con dễ bị nổi mẩn đỏ, thậm chí còn xuất hiện mủ trắng kèm theo sốt nhẹ. Quần áo sau phơi khô cất cần rũ mạnh vì nhỡ kiến bâu vào, trước khi mặc đồ cũng phải rũ mạnh quần áo cho cháu và trong nhà thì cố gắng hạn chế bật đèn, chỉ bật đèn ban công. Còn nếu bật đèn mình chọn giải pháp an toàn, đóng chặt các cửa chính, cửa phòng rồi bật điều hòa cho con chơi bên trong"

Anh Thanh Giang nói, nhiều khi mình không để ý, ban ngày, tường nhà, giường chiếu chính là nơi náu mình kĩ nhất của loài kiến ba khoang này: “Tôi cũng đã phun thuốc xịt côn trùng và di dân về quê cả ngày thứ 7 và Chủ nhật, nhưng kiến chết không ăn thua, mà ai dè, chính cháu mình lại bị di ứng bởi hóa chất trong thuốc. Vì vậy, chỉ còn cách “phòng còn hơn chống”, sống chung với kiến mà thôi”.

Hàng ngày, đi làm về, anh Thanh Giang và gia đình tích cực phẩy chăn chiếu và kiểm tra thật kĩ để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Kiến ba khoang có nọc độc mạnh gấp 15 lần nọc rắn hổ mang
(Nguồn: Internet)
Kiến ba khoang có nọc độc mạnh gấp 15 lần nọc rắn hổ mang (Nguồn: Internet)

"Việc tiếp xúc với kiến ba khoang, bóp nát kiến hay bị kiến đốt cần được xử trí như bỏng acid" - một diễn đàn trên mạng xã hội về cách xử lý kiến ba khoang chia sẻ thêm:

B1: Loại bỏ tác nhân gây bỏng: ngừng tiếp xúc với kiến, phủi kiến ra khỏi da bằng vật khác (phủi chứ không đập nát kiến)

B2: Ngâm nước và trung hòa: do bản chất độc của kiến ba khoang là acid nên dùng xà phòng có tính bazo để trung hòa. Rửa vùng da bằng xa bông tắm k cần kì cọ kĩ quá là tổn thương vùng da sâu hơn.

Ngâm vùng da trong nước lạnh ( không chườm đá ) tốt nhất là vào khoảng 20 độ C. Ngâm khoảng 30 phút đến 60 phút, tùy mức độ tiếp xúc với kiến. Ví dụ kiến bò qua ngâm khoảng 30 phút, kiến đốt hay bóp nát kiến cần ngâm trong khoảng 1 tiếng. Nước ngâm có thể pha thêm xa phòng như khi giặt đồ. Việc ngâm trong nước lạnh giúp giảm đau ngứa, giảm tạo nốt phỏng, trung hòa tiếp acid dư, hòa loãng acid không cho tổn thương da sâu hơn.

B3. Che phủ tạm thời hoặc băng vùng da nếu bạn có thể.

Bỏng do kiến ba khoang thường chỉ bỏng độ II III nông, da có khả năng tự lành nếu không có tổn thương thứ phát ( nhiễm khuẩn ) , da sẽ lành sau 2 đến 4 tuần. Tuy nhiêu thường để lại biến chứng rối loạn sắc tố ( vùng da tối hoặc sáng màu hơn vùng da xung quanh )

B4: Đến cơ sở Y tế

Các chuyên gia Y tế cũng khuyến cáo “Kiến ba khoang rất khó diệt, những loại thuốc xịt côn trùng thông thường không có tác dụng. Trong khi đó, đặc điểm của loài côn trùng này là ưa ánh sáng, người dân có thể dựa vào đặc tính này để hạn chế kiến ba khoang vào nhà. Riêng ở khu khu chung cư nên bố trí hệ thống đèn hợp lý, chỗ xa nhà nên bố trí ánh đèn mạnh để thu hút côn trùng, càng đến gần nhà thì dùng ánh sáng dịu, đỏ, vàng”.

Ngoài ra, có thể dùng lưới chống muỗi để ngăn kiến ba khoang bay vào nhà. Trước khi đi ngủ nên quét dọn nhà cửa, rũ giường, buông màn. Còn không may bị đốt, cần rửa thật sạch vết đốt với xà phòng, sau đó có thể bôi bằng hồ nước, các thuốc có chứa corticoid chỉ định cho các loại côn trùng đốt…

Khi nào thì bạn cần đến cơ sở Y tế

Như đã nói tổn thương bỏng do kiến ba khoang có thể tự khỏi nhưng nhiều trường hợp cần đến cơ sở y tế chuyên khoa bỏng để xử trí. Khi:

- Vùng da bỏng ở vùng đầu mặt cổ, và các vùng liên quan đến yếu tố thẩm mỹ của bạn

- Vùng da phần bộ phận sinh dục ngoài.

- Diện tích da bỏng lớn là trên 5% diện tích da của họ tức là tương ứng vs vùng da rộng = 5 lần lòng bàn tay của nạn nhân. Tuy nhiên theo khuyến cáo của tôi là ở trẻ diện tích dù là 1% tức 1 lòng bàn tay trẻ cũng nên đưa trẻ đến cơ sở y tế.

- Bạn thấy khó chịu vì ngứa rát

- Với trẻ nhỏ là trẻ bỏ bú bỏ ăn, quấy khóc.

Có thể để vết bỏng tự khỏi, bạn chỉ cần băng kín và giữ sạch vết bỏng k để vết bỏng nhiễm bẩn nhiễm khuẩn là được.

Xử trí riêng với trường hợp kiến rơi vào mắt

- Nhanh chóng ngâm mắt vào nước sạch. Như nước uống đun sôi để nguội, nước lọc ozon. Tốt hơn là nếu bạn có nước nhỏ mắt Natriclorid 9 phần nghìn loại rẻ rẻ 1.000 – 2.000 đồng chứ không phải loại osla hay viroto vì chúng có thành phần acid làm tổn thương củng mạc thêm. Tốt nhất là bạn có chai dịch truyền natriclorid 9 phần nghìn xả liên tục vào mắt trong khoảng 10 p rồi đến ngay cơ sở ý tế ( bạn có thể vừa đi viện vừa xối nước vào mắt nếu có thể

Lưu ý: Việc xử lý trên là để tối ưu nhất cho trường hợp bị bỏng do kiến ba khoang

Theo Đỗ Dung

Vietnamnet