Hiểu rõ về vac-xin

(Dân trí) - Xin cho biết vac-xin có thành phần như thế nào? Một người bình thường cần tiêm phòng những loại bệnh gì và có những biến chứng gì có thể xảy ra khi tiêm phòng? ( Lê Thanh Hà- Thị xã Hà Đông, Hà Tây).

Trả lời của ông Đỗ Sĩ Hiển, Chủ nhiệm Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia:

 

Thành phần của vac-xin sẽ bao gồm:

 

-Kháng nguyên: có thể là vi khuẩn, virus bị bất hoạt, bị giảm độc lực, độc tố, kháng nguyên tổng hợp…

 

- Chất ổn định: dùng để bảo quản văcxin và ngừa vi khuẩn phát triển. Môi trường.

 

- Kháng nguyên ngoại lai: chiếm tỉ lệ rất nhỏ mà các hãng dược phẩm tìm cách loại trừ, càng có ít trong văcxin càng tốt.

 

Trước khi có vacxin, con người thường miễn dịch tự nhiên theo cách duy nhất là mắc bệnh đó và bằng may mắn mà sống sót. Với miễn dịch mắc phải tự nhiên, người bị mắc các triệu chứng bệnh và bị đe doạ bởi các biến chứng, chúng có thể rất nghiêm trọng và đôi khi chết người. Hơn nữa trong lúc mắc bệnh, họ là nguồn lây bệnh cho người khác.

 

Cho đến khi con người tạo ra vac-xin. Đây là một trong số ít các loại thuốc có thể ngăn ngừa bệnh ngay từ đầu tiên hơn là cố gắng chữa bệnh khi nó đã xảy ra. Nó không chỉ bảo vệ người được tiêm mà còn bảo vệ mọi người xung quanh. Nếu tiêm văcxin rồi thì không bị bệnh, nên không lây bệnh cho mọi người khác hoặc nếu có mắc thì cũng không lây truyền

 

Bản chất kháng nguyên của các loại vac-xin:

 

- Virus giảm độc lực: gồm các loại vac-xin trái rạ, quai bị, rubella.

 

- Virus độc lực: gồm các loại vac-xin sởi, bại liệt.

 

- Virus bất hoạt: vac-xin bại liệt

 

- Vi trùng độc lực: vac-xin ngừa lao BCG.

 

- Vi trùng bất hoạt: vac-xin ho gà.

 

- Polysaccaride: vac-xin ngừa bệnh não mô cầu, thương hàn, viêm màng não do H.influenzae.

 

- Kháng nguyên bề mặt: vac-xin ngừa viêm gan siêu vi B.

 

Hiện nay, các bệnh hiện đã được ngăn ngừa bởi vac-xin gồm: Bệnh than, viêm màng não vi khuẩn, thuỷ đậu, bệnh tả, bạch hầu, heamophilus influenzae loại, viêm gan A, viêm gan B, cúm, sởi , quai bị, ho gà, viêm phổi do phế cầu, bại liệt, dại, rubella. uốn ván, sốt vàng.

 

Danh mục những bệnh cần tiêm phòng có thứ tự ưu tiên như sau:

 

Số 1 là các bệnh lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt, viêm gia siêu vi B.

 

Số 2 gồm các bệnh viêm màng não mũ; viêm màng não do HIB; viêm não Nhật Bản; thủy đậu, bệnh dại (Việt Nam có dịch tễ cao nhất thế giới về bệnh dại); viêm gan siêu vi A; sởi, quay bị, rubella.

 

Số 3 là bệnh não mô cầu. Còn việc ngừa cúm A cũng cần thiết nhưng không quá cấp thiết. Tiếp đó là viêm phổi phế cầu.

 

Các biến chứng có thể gặp khi tiêm phòng

 

Cũng như tất cả các loại thuốc khác, vac-xin cũng có thể gây ra những tác dụng không mong muốn như sốc phản vệ, sốt…Tuy vậy, tỉ lệ này là rất nhỏ. Nó tùy thuộc vào nhiều yếu tố như kỹ thật tiêm, bơm kim tiêm, cơ địa người được tiêm, nhà sản xuất thuốc, qui trình bảo quản và phân phối…

 

Ngoài ra, người đi tiêm phòng có thể gặp một số biến chứng tại chỗ như: Ap-xe tại chỗ tiêm do nhiễm trùng. Ap-xe lạnh tại chỗ tiêm do vac-xin bị kết tủa. Nguyên nhân do khi tiêm, nhân viên y tế lắc không đều. Viêm hạch do tiêm vac-xin ngừa lao BCG quá liều.

Thêm vào đó, tuỳ từng loại vac-xin mà có biến chứng khác nhau như:

 

-         Vac-xin bại liệt có thể gây sốt bại liệt (tỉ lệ từ 1/5 triệu - 1/8 triệu).

 

-         Vac-xin sởi + quai bị + rubella có thể gây phát ban, sốt nhẹ, nổi hạch, sưng khớp (tỉ lệ từ ½ - 1/5); co giật, viêm não( biến chứng này rất hiếm gặp).

 

-         Văcxin ngừa lao BCG có thể gây viêm hạch mủ, ap-xe dưới da (tỉ lệ từ 1 - 2%)…

 

Thanh Trầm (ghi)