Hiểu đúng về Đái tháo đường thai kỳ để mẹ tròn con vuông
(Dân trí) - PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang (Trưởng khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hùng Vương) cho biết, tỉ lệ mắc đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) của thai phụ đến khám tại bệnh viện từ năm 2012 đến nay đã tăng nhanh, hiện ở mức 20%, tức là cứ 5 thai phụ đến khám đã có 1 người mắc ĐTĐTK.
Chiếm một tỉ lệ rất cao như vậy, theo bác sĩ, các mẹ bầu không nên chủ quan với ĐTĐTK. Bởi lẽ, nếu không được hiểu đúng, không kiểm soát tốt, ĐTĐTK có thể gây ra những hậu quả về lâu dài với cả thai phụ lẫn thai nhi. Ngược lại, nếu kiểm soát tốt đường huyết, mẹ và bé sẽ an toàn, khỏe mạnh suốt thai kỳ.
Nên hiểu rõ về ĐTĐTK từ trước khi mang thai
Trước thắc mắc của nhiều thai phụ: “Khi nào cần bắt đầu quan tâm đến ĐTĐTK?”, PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang cho biết: “Trên thực tế, việc quan tâm đến ĐTĐTK nên bắt đầu từ lúc một người phụ nữ mới lập gia đình và có ý định mang thai. Bởi lẽ, nếu trong trường hợp thuộc nhóm nguy cơ cao như: người thừa cân, mang thai khi trên 35 tuổi, có cha mẹ hoặc anh chị em ruột từng mắc đái tháo đường… thì nguy cơ mắc ĐTĐTK sẽ cao hơn. Điều này đồng nghĩa với việc cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, lối sống ngay từ ban đầu. Ngoài ra, nếu thuộc nhóm nguy cơ, thai phụ cũng cần kiểm soát đường huyết chặt chẽ hơn suốt quá trình mang thai”.
Mẹ bầu cần biết rằng sự thay đổi sinh lý trong cơ thể người mẹ khi mang thai có thể gây nên ĐTĐTK với đặc điểm là đường huyết tăng cao trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba ở người phụ nữ trước đó không mắc đái tháo đường.
Trong một số trường hợp, ĐTĐTK chỉ xuất hiện một thời gian ngắn và tự hết sau khi em bé chào đời. Chính vì thế, nhiều mẹ bầu khá chủ quan cho rằng ĐTĐTK sẽ tự khỏi nên không có gì đáng ngại.
Kỳ thực, bác sĩ Khánh Trang nhấn mạnh: “Nếu bệnh không được điều trị thích hợp sẽ gây nên những biến chứng bất lợi cho mẹ và bé ngay khi sinh và cả khi trưởng thành. Những em bé có mẹ mắc ĐTĐTK thường sinh ra nặng ký hơn các bé bình thường nên tỷ lệ sang chấn khi sinh đường âm đạo hoặc sinh mổ cũng cao hơn. Các em bé này cũng dễ gặp phải các vấn đề khác như hạ đường huyết sau sinh, suy hô hấp, vàng da sơ sinh và béo phì. Về lâu dài, cả mẹ và em bé đều có nguy cơ cao bị mắc ĐTĐ týp 2 sau này”.
ĐTĐTK không có triệu chứng rõ ràng, các dấu hiệu như người mệt lả, đi tiểu nhiều, khát nước nhiều, tăng huyết áp, … lại trùng với các triệu chứng thông thường của một thai phụ trong những tháng đầu tiên nên dễ bị bỏ qua. Do đó, để biết được chính xác có bị ĐTĐTK hay không, tốt nhất thai phụ nên làm các xét nghiệm tầm soát ĐTĐTK.
Để mẹ tròn con vuông: Đừng bỏ qua xét nghiệm tầm soát ĐTĐTK
Phân tích cho các bà mẹ về lợi ích của xét nghiệm tầm soát này, PGS.TS.BS. Huỳnh Nguyễn Khánh Trang chia sẻ: “Để phát hiện ĐTĐTK, phụ nữ mang thai sẽ được làm một xét nghiệm gọi là nghiệm pháp dung nạp đường. Theo đó, thai phụ sẽ được uống 75g đường glucose và xét nghiệm kiểm tra đường huyết 2 giờ sau đó hoặc đo nồng độ HbA1C (phản ánh đường huyết trung bình của 3 tháng gần nhất). Xét nghiệm tầm soát này được thực hiện lần thứ 1 vào 3 tháng đầu thai kỳ và lần 2 trong tuần 24-28 thai kỳ. Các thai phụ không nên bỏ qua xét nghiệm quan trọng này, vì khi biết rõ và kiểm soát được đường huyết của mình, chúng ta có thể giữ an toàn cho chính người mẹ và em bé”.
Một thông tin quan trọng cho các mẹ bầu là hiện nay chương trình sàng lọc ĐTĐTK miễn phí đã bắt đầu được triển khai ở những bệnh viện phụ sản lớn trên cả nước như BV Phụ sản trung ương, BV Từ Dũ…. Dự kiến chương trình sẽ sàng lọc ĐTĐTK cho 10.000 phụ nữ mang thai đã tại 10 bệnh viện hàng đầu Việt Nam, để giúp các bà mẹ an tâm hơn trong hành trình mang thai của mình.
Chương trình là một phần trong dự án “Phòng ngừa và Quản lý Đái tháo đường thai kỳ do công ty Abbott phối hợp cùng Bộ Y tế triển khai góp phần phòng chống các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam. Đây là dự án tiếp nối, sau các dự án cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú được hợp tác giữa Bộ Y tế và Abbott trong thời gian qua, nhằm nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở Việt Nam.
Được biết trước đó, vào tháng 10/2018, Công ty Abbott cũng đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Y tế để tổ chức hội thảo phổ biến Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát ĐTĐTK. Cùng với việc tầm soát ĐTĐTK, thai phụ cũng cần chú trọng kiểm soát tốt đường huyết thông qua chế độ dinh dưỡng hợp lý và vận động - hai phương pháp đầu tiên đươc đề xuất trong hướng dẫn quốc gia phòng chống ĐTĐTK.
P. Ngân