Hiểm họa bệnh tật từ thực phẩm nấm mốc, biến chất

(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, vào quý cuối của năm, thị trường thực phẩm lại sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ tết. Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo người dân cần nâng cao cảnh giác và ý thức tiêu dùng để đảm bảo an toàn cho bản thân và gia đình.

Ngày 9/11, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2018 Cục đã xử phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm với số tiền hơn 6 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Cục ra quyết định thu hồi hàng trăm giấy phép của các cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những sai phạm nghiêm trọng.

Gia súc, gia cầm nhập lậu khó kiểm soát bệnh tật và chất lượng
Gia súc, gia cầm nhập lậu khó kiểm soát bệnh tật và chất lượng

Cục trưởng Thanh Phong nhận định, từ nay đến Tết Nguyên Đán, thị trường thực phẩm sẽ trở nên sôi động, các mặt hàng thực phẩm tăng cao để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mùa lễ tết. Thị trường thực phẩm “sôi động” kéo theo nhiều nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cục An toàn Thực phẩm nhận định, khi sản lượng thực phẩm tăng cao, những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng lậu sẽ trà trộn khó kiểm soát. Tại khu vực các cửa khẩu trên cả nước hoạt động buôn lậu các mặt hàng thực phẩm sẽ ngày càng “nóng”. Cùng với các mặt hàng len lỏi theo đường tiểu ngạch, nguy cơ dịch bệnh nguy hiểm từ gia súc, gia cầm từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi trong nước.

Nghiêm trọng hơn, sự nguy hiểm từ thực phẩm còn đến từ thói quen tiêu dùng của người dân. Tại khu vực phía Bắc, thời tiết lạnh vào cuối năm kèm theo mưa nhiều sẽ khiến độ ẩm trong không khí luôn ở mức cao khiến thực phẩm nguy cơ bị nấm mốc chứa nhiều độc tố gây các loại bệnh nguy hiểm, trong đó có ung thư. Tại khu vực phía Nam, thời tiết cuối năm thường nóng, khô khiến thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất, tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc cho người dùng.

Các loại hạt ngày Tết như bầu, bí, dưa... trong thời tiết ẩm ướt dễ nấm mốc
Các loại hạt ngày Tết như bầu, bí, dưa... trong thời tiết ẩm ướt dễ nấm mốc

Mặt khác, vào dịp Tết, người dân thường có thói quen tích trữ thực phẩm cho nhiều ngày, song nhiều hộ gia đình không chú ý bảo quản hoặc thiếu thiết bị bảo quản khiến thực phẩm biến chất, hư hỏng trước khi sử dụng.

Để đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng dịp cuối năm, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết, các đơn vị của Cục sẽ phối hợp với ban ngành liên quan trên cả nước đẩy mạnh thanh kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng ngay tại cửa khẩu. Công tác kiểm tra chất lượng, hậu kiểm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp suất ăn sẽ được thực hiện triệt để, xử lý nghiêm đối với cơ sở sai phạm.

Tuy nhiên, mất an toàn thực phẩm là vấn nạn thường trực nguy cơ xảy ra mọi lúc, mọi nơi. Cục An toàn Thực phẩm kêu gọi cộng đồng ngoài việc mua và sử dụng thực phẩm sạch, đảm bảo nguồn gốc, chất lượng cần phải tố giác những hành vi sản xuất, kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn. Bên cạnh đó, cần thay đổi hành vi tiêu dùng, không nên tích trữ quá nhiều thực phẩm trong mùa lễ tết để tránh nguy cơ bị ngộ độc, mắc bệnh nguy hiểm.

Vân Sơn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm