Hành trình thoát “cửa tử” của bệnh nhân mắc Covid-19 nặng ở Đà Nẵng
(Dân trí) - Với nhiều bệnh lý nền (tăng huyết áp, suy tim, thiếu máu cục bộ), khi mắc Covid-19, bệnh nhân 582 tổn thương phổi nặng nề, phải thở máy, chạy ECMO. Bệnh nhân đã có hành trình thoát "cửa tử" ngoạn mục.
Sáng 16/8, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đã làm lễ công bố khỏi bệnh cho bệnh nhân 582.
Đây là bệnh nhân nặng có nhiều bệnh lý nền (tăng huyết áp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ) mà các bác sĩ đã dốc hết sức lực để “giành” lại sự sống cho bệnh nhân.
Dốc sức cứu bệnh nhân thoát “cửa tử”
Mở đầu buổi lễ, bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Chợ Rẫy) – đang điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chia sẻ: “Cũng như Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã nói, mỗi khi có thông tin bệnh nhân tử vong giống như nhát dao đâm vào tim lực lượng y tế. Các anh em đã nỗ lực hết sức, quyết tâm ngay từ đầu không chỉ cố gắng đẩy nhanh khống chế dịch bệnh mà còn cứu được nhiều bệnh nhân càng tốt. Bệnh nhân 582 là bệnh nhân nặng, có nhiều bệnh nền mà chúng tôi đã cố hết sức để cứu chữa”.
Trước đó, ngày 18/7, bệnh nhân 582 (N.T.K.Đ., 55 tuổi, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tham dự đám cưới tại hội nghị tiệc cưới For You Palace tại đường 2/9, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng. Ngày 29/7, bệnh nhân cùng vợ đến khám Trung tâm y tế quận Hải Châu sau đó được chuyển lên Bệnh viện Phổi Đà Nẵng để cách ly.
Theo bác sĩ Linh, ngày đầu tiên vào Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, X-quang của bệnh nhân cho thấy phổi bị tổn thương. Tuy nhiên sau 1-2 ngày sau, diễn biến tổn thương phổi nhanh chóng, rất nặng.
“Đây là tổn thương phổi rất đặc thù ở những bệnh nhân mắc Covid-19 hiện nay, đặc biệt là những bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh lý nền”, bác sĩ Linh nói.
Ngày 31/7, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đà Nẵng do tình trạng sức khỏe chuyển biến nặng, trong khi đó Bệnh viện Phổi Đà Nẵng chưa xây dựng được hệ thống Hồi sức cấp cứu.
Ngày 2/8, diễn tiến tổn thương phổi rất nhanh nên các bác sĩ đã tiến hành thực hiện ECMO và lọc máu cho bệnh nhân.
Sau thực hiện ECMO, bệnh nhân có xu hướng cải thiện hơn cũng như huyết áp không còn phụ thuộc vào thuốc. Bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và đã cai máy thở vào ngày 5/8 .
“Đối với bệnh nhân này, ngoài chăm sóc toàn diện còn phải chăm sóc vật lý trị liệu như hút đờm nhớt, túc trực suốt bên cạnh bệnh nhân, nguy cơ lây nhiễm nhưng anh em vẫn cố gắng phòng hộ tốt”, bác sĩ Linh cho hay.
Những ngày gần đây, bệnh nhân đã cai được máy thở và sau khi có 4 lần âm tính với SARS-CoV-2, đủ tiêu chuẩn khỏi bệnh Covid-19, bệnh nhân được đưa ra khỏi khu Hồi sức tích cực.
“Tại thời điểm này, bệnh viện chưa có thang máy, các anh em phải khiêng bệnh nhân. Chúng tôi giống như đang ở chiến trường, có cái gì trong tay phải chiến đấu làm sao mang lại gì đó có lợi. Mỗi ngày vào khu hồi sức thì quyết tâm làm thế nào dập được dịch càng sớm càng tốt”, bác sĩ Linh chia sẻ những ngày cùng các đồng nghiệp nỗ lực để “giành” lại sự sống cho bệnh nhân.
Bệnh nhân hạnh phúc cảm ơn bác sĩ khi thoát khỏi “cửa tử”
“Hình ảnh sáng nay rất vui, bệnh nhân cầm hoa tặng bác sĩ và viết lên bìa các-tông những lời cảm ơn bác sĩ”, bác sĩ Linh nói và cho biết bệnh nhân 582 đã 4 lần âm tính với SARS-CoV-2 từ 4- 12/8 sau những nỗ lực của đội ngũ y bác sĩ.
Theo bác sĩ Linh, với kết quả 4 lần âm tính SARS-CoV-2, có thể khẳng định bệnh nhân đã khỏi bệnh Covid-19. Tuy nhiên, bệnh nhân cần giai đoạn phục hồi chức năng. Trong thời gian ngắn một tuần, bệnh nhân có thể ổn định và xuất viện được.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến – Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực, quyết tâm của tất cả đội ngũ y bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bạch Mai Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng cũng như sự chỉ đạo quyết liệt và hỗ trợ kịp thời Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19.
“Chúng ta đã cẩn trọng từng li, từng tý một để tìm cơ hội cho người bệnh để có thành công như hôm nay. Đây là một niềm vui, là sự động viên và ghi nhận tất cả đội ngũ y tế thế điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Đà Nẵng cũng như trên toàn quốc trong suốt thời gian vừa qua”, bác sĩ Ngô Thị Kim Yến xúc động chia sẻ.
Theo bác sĩ Yến, đây cũng là một bài học kinh nghiệm để lực lượng y tế từng bước cứu sống thêm nhiều bệnh nhân nặng như thế này giúp họ trở về cuộc sống bình thường.
"Hai bệnh bệnh nhân Covid- 91 người Anh và bệnh nhân 582 cũng đều có diễn tiến nặng không khác gì nhau, tuy nhiên mỗi trường hợp lại khác nhau.
Bệnh nhân 91 là béo phì, tăng huyết áp. Tổn thương phổi của bệnh nhân 91 rất là nguy kịch. Bệnh nhân 91 điều trị kéo dài do mắc phải những nhiễm trùng tại chỗ trong phổi. Thời gian hồi phục cần thực hiện phục hồi chức năng và vật lý trị liệu. Bệnh nhân 91 có 56 ngày thực hiện ECMO và 65 ngày phải thở máy.
Đối với bệnh nhân 582 thì chúng ta thực hiện quyết liệt việc thực hiện ECMO sớm ngay từ đầu cho bệnh nhân do có kinh nghiệm. Chúng ta kết hợp điều trị với nhiều chuyên khoa, hội chẩn trực tuyến từ các giáo sư đầu ngành, Bộ Y tế, trưởng ban điều trị nhờ đó có hướng điều trị sát sao. Nhờ đó, bệnh nhân có tiến triển tốt hơn so với bệnh nhân 91. Đây là nỗ lực từ kinh nghiệm của anh em để điều trị quyết liệt cho bệnh nhân này", bác sĩ Linh thông tin thêm.