Hành trình của cậu bé chăn trâu trở thành bác sĩ

(Dân trí) - Sinh ra và lớn lên ở vùng đất vẫn được ví von là nơi “nắng như Phang - gió như Rang” của xứ Tháp Chàm, nhà nghèo, quanh năm suốt tháng chỉ lo kiếm đủ ăn, nhưng sự cần cù, vượt khó và đức tính ham học… đã giúp ông Kiều Nhịn thoát nghèo và trở thành một bác sĩ giỏi trở thành tấm gương hiếu học cho những người con dân tộc thiểu số.

Tuổi thơ dữ dội!

Sinh năm 1961, ngay từ bé, bác sĩ Kiều Nhịn– người dân tộc Chăm, đã chịu sự mất mát rất lớn so với bạn bè cùng trang lứa. Khi chỉ mới biết bò, cha ông đã từ giã cuộc đời để lại ông và mẹ cùng với 4 anh em trai khác.

Ngày ấy, cả nhà cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, bữa đói, bữa no! Ngay từ thuở nhỏ, ông đã làm thuê đủ nghề, từ vác lúa thuê đến việc chăn trâu thuê… cho những gia đình quanh làng, mong tìm kiếm cái ăn để phụ giúp cho mẹ. Nhưng, cái đói vẫn cố đeo bám cuộc sống của ông.

Mặc dù nghèo khổ và đi làm thuê quanh lành, nhưng năm 1966, Kiều Nhịn xin phép mẹ cho đi học, nhưng đến năm 1972 thì phải ngừng vì quá nghèo khổ.

“Mặc dù rất buồn vì phải bỏ dở việc học nhưng vì quá nghèo, tôi đành chấp nhận số phận, đi làm thuê để mong kiếm cái ăn qua ngày. Cứ tưởng chừng như không thể tìm đến cái chữ nữa.”Bác sĩ Kiều Nhịn bộc bạch.

Rồi ông lại khăn gói vào Cam Ranh để phụ bán quán cho dì của mình.Thế nhưng, đức tính hiếu học của cậu học trò làng Thành Tín ngày ấy vẫn luôn “cháy bỏng”. Mặc dù phụ giúp người dì bán hàng quán nhưng cậu bé này vẫn thường xuyên học lóm, học ké… để tự trang bị kiến thức mỗi khi điều kiện cho phép.

Bước ngoặt cuộc đời

Trong một lần vác thùng bia từ đại lý về quán, một chiếc xe chở cát chạy nhanh lướt qua ông, cơn gió đủ mạnh để làm ông té ngã. Khi kịp đứng dậy thì thùng bia đã rơi vỡ lúc nào không hay. Ấy vậy mà chính cái sự cố này đã là bước ngoặt của đời ông.

Bác sĩ Kiều Nhịn kể: “Khi mang những mảnh vỡ của vỏ bia về quán, dì của tôi đã cho tôi một trận “cuồng roi” chí mạng. Sau đó nhờ có sự giúp đỡ của những hàng xóm tốt bụng, tôi đã gom được chút tiền trở về Phan Rang”.

Ở quê nhà, tôi lại đi làm thuê như bao đứa bạn cùng trang lứa, dù thèm chữ nhưng cái nghèo, cái đói vẫn như cố bám lấy cuộc sống - ông Kiều Nhịn tâm sự.

May mắn thay, một thầy giáo làng ở trường Tiểu học Thành Tín là thầy Bá Văn Thương đã phát hiện ra tố chất thông minh của tôi. Cùng với sự giúp đỡ của ông nội, cậu bé Kiều Nhịn đã trở lại trường học. Năm đó, cậu bé Kiều Nhịn đã thi đậu vào lớp 6 một trường ở Phan Rang và đứng thứ nhì trong số hàng ngàn thí sinh khác. “Một kỉ niệm lớn mà tôi chưa bao giờ quên và vui sướng hơn” – Bác sĩ Kiều Nhịn chia sẻ thêm.

Nhưng rồi, giọng ông trầm hẳn khi niềm vui chưa kịp nở nụ cười trên môi thì tháng 4/1975, khi tình hình xã hội chưa ổn định, anh thanh niên quyết định ở nhà làm ruộng, làm thuê… vì không muốn gia đình khổ vì mình.

Bác sĩ Kiều Nhịn bảo vệ thành công Luận án chuyên khoa cấp II lúc 51 tuổi.
Bác sĩ Kiều Nhịn bảo vệ thành công Luận án chuyên khoa cấp II lúc 51 tuổi.

Trời không phụ người hiếu học

Đến năm 1978, khi hay tin một thanh niên trong làng cùng học với mình trong thời gian trước đỗ đại học Bách Khoa, niềm đam mê cái chữ trở lại và Kiều Nhịn quyết tâm học lại bằng mọi cách.

Trời không phụ lòng người khi may mắn thay, năm đó trường Bổ túc văn hóa tập trung cho người dân tộc thiểu số và cán bộ cách mạng được lập nên. Và tháng 9/1978, chàng thanh niên một lần nữa trở lại tìm về “cái chữ”.

Trải qua bao gian khó, cuối cùng ông cũng đã học xong phổ thông và tiếp tục thi Đại học. Trường ông lựa chọn chính là ĐH Y- Dược TPHCM.

Con đường tiến vào giảng đường đại học của ông lại tiếp tục xuất hiện rào cản khi giấy báo nhập học của ông bị thất lạc. Mọi người đã nhập học còn ông vẫn ở nhà, tưởng rằng mình đã thi rớt. Nhưng trong cái rủi có cái may, đúng như câu “trời không phụ người hiếu học” – lại một may mắn nữa đến với ông khi một người bạn của ông đã phát hiện có tên Kiều Nhịn trên “bảng vàng” và ngay lập tức thông báo về gia đình.

“Ngay khi nhận tin, ngay lập tức, tôi báo về mẹ để xin lộ phí tức tốc vào TP HCM nhập học”. Nhưng rồi, khi gặp mẹ và thông báo để xin lại khoản tiền dành dụm bao năm của ông thì chỉ nhận được cái lắc đầu vô hồn của mẹ.“Thật sự như trời muốn đổ sụp dưới chân mình.Tôi đã khóc rất nhiều, âu cũng là cuộc sống quá khó khăn, mẹ phải lấy số tiền đó đi trả nợ cho những người trong làng.”Bác sĩ Kiều Nhịn nhớ lại thời điểm khó khăn của mình.

Nhưng với ý chí ham học và nghị lực vượt qua những khó khăn đã không làm nản chí ông ngày ấy. Ông quyết tâm vào mảnh đất Sài Gòn dù không có gì trong tay.

Ông phải đối mặt với việc chuyển hộ khẩu mới có được học bổng. Cuối cùng, Kiều Nhịn cũng đã nhập học được khi bạn bè cùng lớp đã đi học quân sự được 1 tuần. Vào thời gian đó, nhà nước có chế độ học bổng dành cho con em người dân tộc thiểu số, điều này giúp cho ông có thể học mà không lo lắng về chuyện ăn và ở. Chỉ có sách vở là tự túc mua sắm… Trong đời sinh viên, ông đã đi dạy đàn guita, dạy thêm kiếm tiền… để có thể lo cho cuộc sống của mình tại mảnh đất này.

Không tự bằng lòng…

Sau bao vất vả, Kiều Nhịn cũng đã chính thức ra trường và có một năm làm công tác chăm sóc sức khỏe răng miệng ở An Giang trước khi về lại TP HCM nhận bằng tốt nghiệp vào năm 1988. Cùng năm này, ông được bổ nhiệm làm việc ở Bệnh viện Đa khoa khu vực phía Bắc Thuận Hải – Phan Rang (Ninh Thuận bây giờ).

Không thỏa mãn với những gì đang có, Bác sĩ Kiều Nhịn tiếp tục lên đường, ôn thi và thi đậu Chuyên khoa 1 vào trường Đại học Y- Dược TP HCM. Cũng tại đây, ông vừa học vừa trở về bệnh viện nơi mình công tác để hỗ trợ về chuyên môn cũng như các vấn đề khác.

Sau 4 năm, vào năm 1998, ông tốt nghiệp Chuyên khoa 1 và đến tháng 10 năm đó, ông được bổ nhiệm làm Trưởng khoa Răng Hàm Mặt. Cũng trong 1998, Kiều Nhịn được đích thân GS TS Hoàng Tử Hùng – Hiệu Phó trường Đại học Y- Dược TP HCM – khen ngợi vì đã có sáng kiến về hệ thống thoát nước từ ghế nha cải tiến giúp quá trình điều trị sạch sẽ hơn, kiểm soát lây nhiễm tốt hơn; và sử dụng sáp trong việc làm răng giả giúp cho quá trình điều trị nhanh và tiết kiệm hơn.

Tiếp những năm sau đó, Kiều Nhịn vừa công tác tại bệnh viện vừa tiếp tục học thêm để nâng cao trình độ.Tháng 5/2004, ông học phẫu thuật hàm mặt; 2010 triển khai mổ góc hàm đường trong miệng (phương pháp mới giảm nguy hiểm, tránh ảnh hưởng đến thần kinh và có tính thẩm mĩ cao hơn).

Đến năm 2012, khi đã 51 tuổi, Bác sĩ Kiều Nhịn vẫn tiếp tục đi thi Chuyên khoa 2.Tiết lộ “động cơ” học tập, ông cho biết rằng ông muốn học để làm chủ khoa học, công nghệ và thiết bị y tế để về triển khai cho nơi mình công tác. Ông muốn mang những công nghệ y tế mới nhất về phục vụ cho bà con, đặc biệt là người nghèo.

Trong giai đoạn học từ 2012 – 2014, ông vẫn vừa học vừa thực hiện nhiều ca mổ quan trọng, nhất là triển khai phẫu thuật kết hợp xương hàm trên trong gãy Lefort 1 và Lefort 2 vốn trước đây không làm được. Mới đây, ông đã chính thức nhận bằng tốt nghiệp Chuyên khoa 2 vào 16/1/2015.

Hiện tại, bên cạnh việc tăng cường trau dồi kiến thức y tế, ông cũng tham gia vào rất nhiều các hoạt động xã hội, từ thiện khác như tạo điều kiện cho con em dân tộc TS, người nghèo hiếu học học giỏi… tài trợ cho các tổ chức xã hội, chùa chiền…Riêng lĩnh vực y tế, ông đã nhận được rất nhiều giấy khen, bằng khen của Bộ, Sở và cơ quan nơi công tác.

Chia sẻ với PV, sắp tới, Kiều Nhịn cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu về phục hình hàm mặt, inplane nha khoa, phẫu thuật nha chu và chỉnh hình răng hàm mặt.

“Với một tình cảm chân thành nhất, tôi thật sự biết ơn Đảng, cảm ơn Nhà nước, các tổ chức, cơ quan, ban lãnh đạo đã tạo điều kiện và có những chính sách hỗ trợ cho người dân tộc thiểu số như chúng tôi, giúp cho chúng tôi có cơ hội đi học, đi làm và mang lại lợi ích cho cộng động và xã hội. Nếu không có những chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số thì chắc tôi không thể như ngày hôm nay.” Bác sĩ Kiều Nhịn đã thay lời chia tay, trước khi dứt buổi tâm tình, chia sẻ với PV Dân trí.

Quốc Phan