Hàng trăm giun móc ký sinh trong đại tràng thiếu nữ 14 tuổi
(Dân trí) - Sau 7 ngày bị đau bụng, đi ngoài phân lỏng, uống thuốc không đỡ, thiếu nữ 14 tuổi được gia đình đưa đi khám. Bác sĩ bất ngờ phát hiện hàng trăm con giun ký sinh trong đại tràng của trẻ.
Bệnh nhân có triệu chứng đau bụng vùng hạ vị, quanh rốn, ăn uống kém kèm theo đi ngoài phân lỏng liên tục 7 ngày. Trẻ được người nhà đưa đến Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương khám sau nhiều ngày điều trị tại 2 cơ sở y tế gần nhà nhưng không đỡ.
Bệnh nhân được bác sĩ thăm khám và chỉ định thực hiện nội soi đại trực tràng gây mê. Kết quả nội soi đại trực tràng cho thấy hình ảnh hàng trăm con giun ký sinh gây viêm, xuất huyết niêm mạc. Trẻ được chuyển khoa Hồi sức cấp cứu điều trị.
Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, thuận lợi cho sự phát triển và lây truyền của các bệnh ký sinh trùng. Vì thế, bác sĩ khuyến cáo bố mẹ cần năng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cho trẻ, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa, miền núi... Ngoài ra, nên tiến hành tẩy giun cho trẻ định kỳ để đảm bảo sức khỏe. Nhiễm giun sán sẽ làm giảm hấp thu dinh dưỡng đi nuôi cơ thể, khiến trẻ thiếu chất, thiếu máu, suy dinh dưỡng, trẻ quấy khóc, chán ăn, ăn kém, ngủ kém.
Khi mắc bệnh giun móc nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời người bệnh sẽ lâm vào tình trạng thiếu máu.
Để xác định có mắc bệnh hay không, bệnh nhân cần tới thăm khám tại các cơ sở y tế và làm xét nghiệm phân tìm trứng giun.
Bệnh giun móc lây truyền qua ấu trùng giun, bằng hai con đường là qua da - niêm mạc và qua đường ăn uống. Ấu trùng giun móc có thể trực tiếp xâm nhập vào cơ thể người qua da, niêm mạc hoặc đi vào cơ thể người khi ăn thức ăn, uống nước có nhiễm ấu trùng. Bệnh không lây trực tiếp từ người sang người.
Giun móc ký sinh bằng cách ngoạm 2 đầu móc vào niêm mạc ruột để hút máu, gây ra những vết loét, gây chảy máu rỉ rả nên người bị thiếu máu thiếu sắt. Thậm chí, có khi bội nhiễm vi khuẩn xâm nhập gây vết loét thành ruột.
Bệnh giun móc không có triệu chứng lâm sàng đặc hiệu mà chủ yếu là biểu hiện thiếu máu.
Cụ thể:
- Da xanh, niêm mạc nhợt
- Đau vùng thượng vị tuỳ theo mức độ nhiễm giun. Đau không có giờ nhất định, khi đói đau nhiều hơn, ăn không ngon miệng, khó tiêu
- Khi ấu trùng giun móc xuyên qua da có thể gây viêm da tại chỗ với các triệu chứng ngứa, có nhiều nốt màu đỏ và hết sau 1-2 ngày.
Để phòng chống bệnh giun móc, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo:
- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, tăng cường giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, bảo vệ môi trường không nhiễm phân.
- Tạo nếp giữ vệ sinh cá nhân tốt: rửa tay trước khi chuẩn bị thức ăn, trước khi ăn, ăn chín, uống sôi.
- Không dùng phân tươi để bón ruộng vườn.
- Mang đồ bảo hộ lao động khi lao động sản xuất có tiếp xúc với đất.
- Ở vùng hầm mỏ, tiến hành khám sức khỏe hàng năm và xét nghiệm ít nhất 1 lần/năm.
- Dự phòng cho đối tượng nguy cơ cao: Tẩy giun định kỳ 2 lần/năm, thời gian giữa 2 lần cách nhau 4 - 6 tháng.