1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hàng loạt trẻ đi khám vì đau mắt đỏ, nhiều ca biến chứng giả mạc

Tú Anh

(Dân trí) - Khoa Mắt (Bệnh viện Nhi Trung ương) liên tục tiếp nhận trẻ đến khám vì đau mắt đỏ. Đáng nói, có tới 20% trẻ gặp biến chứng nặng gây nên giả mạc, do tự điều trị không đúng cách.

Cả nhà đau mắt đỏ

ThS.BS Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt cho biết, thời tiết giao mùa hè thu hiện nay, số ca bị đau mắt đỏ gia tăng.

Trong vòng 1 tháng qua, khoa tiếp nhận 50 ca viêm kết mạc cấp, trong 10-20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Chị Giang ở Cầu Giấy cho biết, ban đầu, con trai 10 tuổi của chị bị sưng, đỏ mắt và phải trải qua 15 ngày vật vã, khi gần khỏi thì lại đến lượt cậu con thứ 7 tuổi sưng mắt, viêm đỏ.

Hàng loạt trẻ đi khám vì đau mắt đỏ, nhiều ca biến chứng giả mạc - 1

Một em bé bị đau mắt đỏ đến khám (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

"Giờ thì nhà có 3 con bệnh, bố nó sáng qua ngủ dậy mắt cũng sưng húp. Chỉ còn mình tôi đang cố gắng để không bị. Tưởng bệnh đơn giản, nhưng điều trị rất dai dẳng, bất tiện. Con tôi đã phải nghỉ học hơn 2 tuần nay", chị Giang nói.

BS Quỳnh Anh cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), dễ lây lan thành dịch.

"Vì thế, cả nhà cùng bị đau là rất phổ biến. Cái khó là không phải đồng thời mắc một lúc, mà lây lan rải rác sau đó, khiến có gia đình phải mất cả tháng mới hết người đau mắt đỏ", BS Quỳnh Anh nói.

Dễ gây biến chứng nghiêm trọng

Bình thường, đau mắt đỏ khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, sau 7-10 ngày sẽ khỏi.

Khi bị bệnh, mắt của bệnh nhân sẽ bị xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn gỉ (có thể gỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể gỉ xanh, vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn).

Hàng loạt trẻ đi khám vì đau mắt đỏ, nhiều ca biến chứng giả mạc - 2

Một trường hợp bị biến chứng viêm giác mạc chấm (Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương).

Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như virus Herpes, thủy đậu, Poxvirus…

Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…).

Một cái dụi mắt của người bệnh rồi cầm, nắm các vật dụng sinh hoạt chung như tay nắm cửa, nút bấm cầu thang, ga đệm… có thể mang virus ra ngoài. Người chưa mắc bệnh khi tiếp xúc với virus từ các vật dụng sinh hoạt này, đưa tay lên mũi, mắt là có thể bị nhiễm bệnh.

Theo các bác sĩ, đau mắt đỏ là bệnh lây truyền nên dễ thành dịch, nhiều người bị và năm nào cũng có nên nhiều người cho rằng đó là bệnh đơn giản, tự chữa. Việc nhỏ đủ thứ thuốc không đúng chỉ định, đặc biệt là lạm dụng kháng sinh và corticoid khiến người bệnh bị biến chứng viêm kết mạc rất lâu khỏi.

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông. Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.

BS khuyến cáo người đau mắt đỏ cần hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều gỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

Cần sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: Đồ ăn uống, khăn, chậu rửa mặt, gối, chăn... Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…

Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt. Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người. Đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng bệnh như đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều gỉ cần cho đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Đau mắt đỏ là bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 7-10 ngày. Khi bị đau mắt đỏ, cần kiên trì rửa mắt bằng nước muối 5-6 lần/ngày. 

Cho mắt nghỉ ngơi (nhắm mắt, nhìn xa), không xem các phương tiện điện tử.

Tuyệt đối không xông lá trầu kích thích làm mắt đỏ, sưng thêm. Không tự ý nhỏ corticoid.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm