“Hàng độc” làm thuốc

Nếu không phải là nhà khoa học, chắc chắn bạn sẽ “í ẹ” với tuyến tụy của bò, heo, nước tiểu ngựa, nọc rắn, nước miếng các loài bò sát... Tuy nhiên, những thứ này là kho dược phẩm vô cùng quý giá mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người. Trong đó, một số có khả năng giành lại mạng sống từ tay tử thần. Nền công nghiệp dược “nhúng tay” vào những tài nguyên này được gọi là “pharmazooticals”.

“Căn bệnh đường”

Những nghiên cứu quy mô và hiện đại về những tài nguyên từ động vật dùng làm thuốc chữa bệnh bắt đầu từ năm 1921 khi bệnh đái tháo đường được hiểu một cách “chín chắn” hơn. Thời đó, người ta gọi bệnh này là “căn bệnh đường” (sugar disease). Cho đến năm 1923, khi một bác sĩ Canada là Frederick Banting và cộng sự là Charles Best nhận được giải Nobel do khám phá ra insulin và khả năng hạ đường huyết của chúng, người ta ước tính rằng insulin được phân lập từ tuyến tụy của heo và bò đã cứu sống trên 15 triệu bệnh nhân đái tháo đường.

Chất intergrelin lấy từ protein trong nọc của một số loài rắn có thể trị các bệnh mạch vành… Ảnh: TẤN THẠNH
Chất intergrelin lấy từ protein trong nọc của một số loài rắn có thể trị các bệnh mạch vành… Ảnh: TẤN THẠNH

Gần đây, một số sinh vật khác cũng mang lại hy vọng cho những bệnh nhân bị đái tháo đường type 2 khi hàm lượng đường huyết vẫn quá cao mặc dù được điều trị. Một loại thuốc tiềm năng có tên là exenatide được lấy từ nước miếng của một số loài thằn lằn và nhất là từ enzyme có trong nọc của thằn lằn Gila (một giống bò sát có hình dạng giống kỳ nhông, tập trung nhiều ở châu Mỹ). Exenatide cũng rất hiệu quả trong việc giảm cân và vì thế càng có lợi cho bệnh nhân bị đái tháo đường.

Chúng ta có cả một thế giới động vật mang lại những dược phẩm vô cùng quý giá đang được bệnh nhân sử dụng. Chẳng hạn, một loại thuốc trị cao huyết áp thuộc nhóm ức chế men chuyển Angiotensin tên là captopril vốn được phân lập từ một loài rắn Brazil có đầu giống hình mũi tên. Hoặc như ARA-C được phân lập từ con bọt biển dùng trị ung thư máu (leukemia), ung thư hệ bạch huyết (lymphoma) hay chất intergrelin lấy từ protein có trong nọc của một số loài rắn dùng để trị các bệnh mạch vành…

Loại thuốc gây “ồn ào” nhất

Một loại thuốc được sử dụng rộng rãi và cũng gây “ồn ào” nhất là Premarin. Đây là một loại estrogen dùng trong các liệu pháp hormone. Thuốc này được phân lập từ nước tiểu của những con ngựa đang mang thai. Tuy nhiên, việc phân lập thuốc này bị các tổ chức bảo vệ động vật phản đối kịch liệt vì cách thức lấy nước tiểu làm đau đớn, tổn thương, thậm chí gây tử vong đối với những chú ngựa con đang chờ ngày “cất tiếng khóc chào đời”. Có lẽ vì các tổ chức bảo vệ  động vật thường “la làng” nên các nhà khoa học cũng thấy “khớp”. Họ chuyển hướng nghiên cứu vào các loài nhện, bò sát, sinh vật biển... hơn là các loài động vật hữu nhũ.

Công ty Dược phẩm NPS Pharmaceuticals chuyên phát triển những loại thuốc lấy từ nọc của nhện và bò cạp đã góp công rất lớn trong việc khám phá các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một loại thuốc đang được công ty này nghiền ngẫm là delucemines (NPS 1560) vốn có tác dụng bảo vệ tế bào não và hạn chế “sự ra đi tức tưởi” của các tế bào não ở những bệnh nhân đột quỵ cho đến khi lưu lượng máu được ổn định. Thuốc này cũng đang được nghiên cứu thêm để ứng dụng trong điều trị các chứng trầm cảm.

Trong thiên nhiên có một loại ốc hình nón rất đẹp nhưng cũng rất độc, từng lấy mạng của nhiều người. Tuy nhiên, chính nọc của loài ốc này lại có thể cứu sống rất nhiều người. Trong nọc loài ốc này chứa chất conopeptides có nhiều ứng dụng trong y học. Loài ốc này đã được Tập đoàn Dược phẩm Cognetix nghiên cứu, chế tạo ra những loại thuốc giảm đau, trị động kinh, thuốc gây tê cục bộ, các bệnh tim mạch, đột quỵ, thần kinh cơ, đa xơ cứng, chấn thương cột sống... Hiện các nhà khoa học ra sức bảo tồn loài “ốc độc” này vì chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng.

Các thuốc có “gốc gác” động vật

Rất nhiều hợp chất có nguồn gốc từ động vật đã và đang được nghiên cứu để bào chế dược phẩm. Dưới đây là những ví dụ điển hình:

Thuốc giảm đau: Chất ABT 594 có nguồn gốc từ da của một loài ếch Nam Mỹ. Chất này được xem là có tác dụng giảm đau gấp nhiều lần morphine nhưng không hề gây ra tình trạng nghiện thuốc.

Thuốc trị ung thư: Chất TM 601 được phân lập từ bò cạp vàng Israel có tác dụng tấn công vào những bướu não. Loại bướu não này gọi là bướu glioma vốn gây ra khoảng 2/3 trường hợp ung thư não. Điểm “ăn tiền” của TM 601 là chỉ tấn công tế bào bướu não chứ không hề tấn công những tế bào khỏe mạnh.

Thuốc chống đột quỵ: Ancrod (khi được chào hàng ở Mỹ có tên là Viprinex) là một chất kháng đông máu tuyệt hảo, đồng thời có tác dụng ngăn chặn sự hủy hoại tế bào não ở những bệnh nhân bị đột quỵ. Thành phần chính của loại thuốc này được phân lập từ nọc của một loài rắn lục Malaysia. Hiện ở Đức có nhiều trại nuôi loài rắn này để bào chế dược phẩm.

Kháng sinh: Một hợp chất có tên là magainin 2 được phân lập từ da ếch có thể sẽ tạo ra những dòng kháng sinh mới mà các loại vi khuẩn không có khả năng đề kháng. Ý tưởng phân lập ra chất này đã nảy sinh khi nhà nghiên cứu, TS Michael Zasloff, công tác tại ĐH Georgetown (Mỹ), thắc mắc rằng loài ếch cứ bơi lội trong những ao hồ bẩn thỉu mà sức khỏe vẫn không hề hấn gì!

Những cánh rừng ở Brazil được xem là nơi cung cấp những loài động vật đầy tiềm năng và hứa hẹn cho các loại dược phẩm tương lai. Vấn đề hiện nay là những loài động vật này đang mai một dần.

Theo Dược sĩ Nguyễn Bá Huy Cường

Người lao động