Hai trẻ nhỏ nhiễm "vi khuẩn ăn thịt"

Vi Thảo

(Dân trí) - Sau thời gian điều trị, 2 bệnh nhi bị bệnh Withmore (hay còn gọi là bệnh "vi khuẩn ăn thịt") đã ổn định sức khỏe, một trẻ được ra viện.

Ngày 6/8, thông tin từ Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị vừa cho ra viện, điều trị ngoại trú đối với 1 bệnh nhi mắc bệnh Withmore do nhiễm vi khuẩn có tên khoa học Burkhoderia Pseudomallei.

Trước đó, Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận, điều trị 2 trường hợp bệnh nhi L.N.D.H. (19 tháng tuổi) và T.N.N. (6 tháng tuổi) cùng trú tỉnh Quảng Trị, được chẩn đoán mắc bệnh Withmore.

Hai trẻ nhỏ nhiễm vi khuẩn ăn thịt - 1

Vi khuẩn Burkhoderia Pseudomallei gây bệnh Withmore (Nguồn: Sức khỏe và đời sống).

Khoảng 2 tuần trước, bé H. khởi phát bệnh với triệu chứng sưng đau vùng mang tai trái, nhập viện để xẻ áp xe, cấy dịch ra vi khuẩn gây bệnh Withmore.

Trẻ được điều trị bằng kháng sinh tĩnh mạch trong 2 tuần, bệnh ổn định nên các bác sĩ cho ra viện điều trị ngoại trú, tái khám định kỳ.

Trường hợp mắc bệnh Whitmore nặng hơn là cháu bé T.N.N.

Bệnh nhi khởi bệnh trước nhập viện 5 ngày với dấu hiệu sốt cao liên tục, đi cầu phân lỏng 6-7 lần/ngày kèm thở nhanh, khó thở.

Tại bệnh viện tuyến dưới, bệnh nhi được chẩn đoán và điều trị nhiễm trùng huyết nhưng không đỡ sốt nên được chuyển tuyến đến Bệnh viện Trung ương Huế.

Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị áp xe phổi, kèm nhiễm khuẩn huyết do vi khuẩn Burkholderia Pseudomallei. 

Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế đã tiến hành điều trị kháng sinh tích cực đường tĩnh mạch phối hợp kháng sinh đường uống cho trẻ.

Sau 3 ngày hồi sức tích cực, trẻ hết sốt, đỡ khó thở nhưng còn ho, đờm nhiều, tiếp tục điều trị kháng sinh theo phác đồ dài ngày trong thời gian tới.

Người nhà bệnh nhi 6 tháng tuổi cho biết nước sinh hoạt và ăn uống trong gia đình được lấy từ giếng khoan qua máy lọc. Nguồn nước này cũng được sử dụng để vệ sinh cho trẻ.

Theo các chuyên gia y tế, bệnh Whitmore chủ yếu lây qua đường tiếp xúc da hoặc thức ăn, nước uống có vi khuẩn, thường xuất hiện ở các thời điểm diễn ra bão lụt, nơi có điều kiện vệ sinh kém.

Bệnh nhân mắc bệnh cần được điều trị kháng sinh dài ngày, thường là kháng sinh tiêm 2-4 tuần. Nếu đáp ứng tốt, người bệnh có thể điều trị ngoại trú bằng kháng sinh đường uống ít nhất trong 3 tháng.

Lãnh đạo Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết từ đầu năm 2024 đến nay, đơn vị tiếp nhận 17 trường hợp nhiễm bệnh "vi khuẩn ăn thịt".

Bệnh Whitmore là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn có tên Burkholderia Pseudomallei gây nên.

Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Myanmar, từ đó lấy tên Whitmore.