1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hải Dương sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 vào hoạt động

Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh viện dã chiến số 3 tại Hải Dương có quy mô giai đoạn 1 là 1.000 giường bệnh, đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân Covid-19 ở các mức độ khác nhau (từ nhẹ đến nặng).

Chiều 18/2, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn có buổi làm việc trực tuyến với 12 huyện, thị xã, thành phố trực thuộc địa bàn tỉnh để nắm bắt tình hình và hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 của địa phương.

Đánh giá tổng quan tình hình chống dịch tại địa bàn, PGS.TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương nhấn mạnh: "Hiện nay, cả tỉnh Hải Dương đang thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ. Đây là một trong những biến pháp quan trọng để có thể chống dịch Covid-19. Nguyên tắc căn bản là chúng ta phải hạn chế gặp gỡ, tiếp xúc giữa những người dân với nhau. Chỉ thị 16 là "cơ hội vàng" cho chúng ta để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh"

Hải Dương sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 vào hoạt động - 1
PGS.TS Trần Như Dương, Viện phó Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương.

"Tôi đánh giá cao quyết định dũng cảm của Hải Dương vì thiệt hại về kinh tế là điều không tránh khỏi. Từ các gia đình, thôn xóm cần phải chắt chiu từng giờ để thực chất, đúng nghĩa, liên tục để xứng đáng với nỗ lực của tất cả lực lượng dành cho cuộc chiến này", TS Dương nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định đợt dịch thứ 3 tại Hải Dương có sự phức tạp, nghiêm trọng hơn hẳn các đợt dịch trước. Đây là chủng virus đột biến với tốc độ và thời gian lây lan nhanh hơn nhiều so với trước đây. Bên cạnh đó, dịch xảy ra ở tại một đơn vị sản xuất với hàng ngàn công nhân cũng chính là nguyên nhân khiến virus lây lan nhanh chóng hơn.

Vì vậy, tỉnh cần đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm hơn nữa, Bộ Y tế sẽ luôn sát cánh và hỗ trợ cho Hải Dương trong công tác phòng, chống dịch.

Hải Dương sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 vào hoạt động - 2
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn.

Thứ trưởng cho rằng Hải Dương cần phải kiểm tra, đánh giá các doanh nghiệp có đủ an toàn với Covid-19 để xem xét cho hoạt động trở lại. Tuy nhiên, Hải Dương cần phải xây dựng tình huống khi dịch tái bùng phát thì xử lý y tế như thế nào, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp ra sao.

Theo Thứ trưởng Sơn tình hình dịch tại Hải Dương đã cơ bản được kiểm soát, tỉnh đã hoàn thành Bệnh viện dã chiến số 3. Vì vậy, tỉnh cần sớm đưa bệnh viện dã chiến số 3 đi vào hoạt động ngay từ ngày 19/2 để giảm tải cho các bệnh viện dãchiến số 1.

Bệnh viện dã chiến số 3 được thiết lập tại khu nhà 3 tầng tại khuôn viên Đại học Sao Đỏ, Chí Linh, Hải Dương. Đây là ngôi trường được xây dựng từ năm 2007 trên diện tích khoảng 1,6 ha, nằm biệt lập hoàn toàn với khu dân cư, nên hội tụ đầy đủ điều kiện để đảm bảo tốt nhất việc giãn cách an toàn trong phòng chống dịch, cũng như thuận tiện trong việc vận chuyển bệnh nhân và trang thiết bị y tế.

Dự kiến, Bệnh viện dã chiến số 3 tại Hải Dương có quy mô giai đoạn 1 là 1.000 giường bệnh, đáp ứng yêu cầu phục vụ bệnh nhân Covid-19 ở các mức độ khác nhau (từ nhẹ đến nặng).

Trước đó, tại tỉnh Hải Dương, Bộ Y tế đã hỗ trợ thiết lập hai bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Y tế Chí Linh và Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Hơn 1.400 người từ huyện Cẩm Giàng về Hà Nội có kết quả âm tính SARS-CoV-2

Theo Sở Y tế Hà Nội, đến chiều 18/2, số người về từ huyện Cẩm Giàng, Hải Dương về Hà Nội từ ngày 15/1 đến nay là 1.938 người. Trong đó có 1.801 trường hợp đã được lấy mẫu xét nghiệm; 1.417 trường hợp có xét nghiệm âm tính, còn lại chưa có kết quả.

Ngoài ra, số người về từ các nơi khác của tỉnh Hải Dương từ ngày 2/2 đến nay là 24.616 người, trong đó đã lấy mẫu 445 người; 109 người có kết quả xét nghiệm âm tính, còn lại chưa có kết quả xét nghiệm.

Tại các địa điểm liên quan đến bệnh nhân 2229 (54 tuổi, chuyên gia người Nhật tử vong tại khách sạn trên địa bàn quận Tây Hồ), đã lấy 586 mẫu xét nghiệm, trong đó có 2 ca dương tính (ca bệnh 2.234 và 2.240 đã được công bố), còn lại 584 mẫu âm tính.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm