Hai bệnh viện của Đà Nẵng “căng mình” điều trị cho 12 ca mắc Covid-19 nặng

Anh Văn-Nam Phương

(Dân trí) - Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị cho 7 bệnh nhân Covid-19 nặng (thở máy, chạy ECMO, lọc máu). Tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang cũng có 5 ca nặng trong số 156 bệnh nhân.

Sáng 8/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác điều trị các bệnh nhân nặng tại Trung tâm Y tế Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng.

Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang đang điều trị cho 156 bệnh nhân Covid-19, trong đó có hơn 20 người phải chạy thận nhân tạo. Trong số các bệnh nhân chạy thận nhân tạo có 5 bệnh nhân nặng và 2 người phải lọc máu liên tục… Các bác sĩ tăng cường của Bệnh viện Bạch Mai đang trực tiếp theo dõi sát số bệnh nhân nặng này và đề ra phác đồ điều trị phù hợp.

Hai bệnh viện của Đà Nẵng “căng mình” điều trị cho 12 ca mắc Covid-19 nặng - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Ảnh: Tuấn Dũng. 

Bên cạnh đó, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và lực lượng y tế Đà Nẵng cũng liên tục ứng trực tại Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang để xử trí trường hợp bất ngờ có thể xảy ra. Tại đây cũng có sự có mặt của đoàn bác sĩ tăng cường từ Hải Phòng.

Trực tiếp đến khu điều trị bệnh nhân nặng, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các bác sĩ bám sát diễn biến tình hình bệnh nhân, kịp thời đưa ra phương án điều trị tốt nhất.

Trong khi đó, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng đang điều trị cho 12 bệnh nhân hồi sức gồm 7 bệnh nhân nặng (5 ca thở máy, 2 chạy ECMO, trong đó có 1 ca lọc máu) và 5 bệnh nhân thở oxy. Bệnh viện cũng đang chuẩn bị một số phòng hồi sức cấp cứu để tiếp nhận thêm bệnh nhân được chuyển đến.

Tại đây, có một đội công tác của khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) đang ứng trực.

Đến nay, Việt Nam ghi nhận 789 ca mắc Covid-19, trong đó 316 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay. Từ Đà Nẵng, chỉ trong 14 ngày, dịch đã lan ra 13 tỉnh thành khác, với tổng cộng 333 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Hiện Việt Nam cũng đã có 10 bệnh nhân tử vong. 

Trước đây ổ dịch tại Bình Thuận, Vĩnh Phúc, hầu hết ca nhiễm là những người từ nước ngoài về, người không có bệnh nền nên tỷ lệ ca nặng rất ít. Trong khi đợt dịch lần này, số ca nặng rất nhiều. Trước khi mắc Covid-19, nhiều bệnh nhân đang điều trị tích cực, nhiều bệnh nền, có tiên lượng tử vong cao. Vì thế, ngành y tế đang cố gắng hết sức với sự hợp của các chuyên gia đầu ngành nhằm hạn chế tối đa số ca tử vong. 

Ngày 8/8, Bộ Y tế quyết định thành lập 5 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19. Trong cuộc chiến chống Covid-19, bệnh viện là nơi phát hiện sớm, điều trị các ca bệnh, giúp ngăn chặn khống chế dịch bệnh. Đây cũng là nơi có nhiều nguy cơ lây nhiễm và phát tán dịch bệnh. 

Vì thế, Bộ Y tế đã ban hành bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các bệnh viêm đường hô hấp cấp. Trong đó gồm 37 tiêu chí về các nội dung như: sàng lọc phân luồng người bệnh, các biện pháp phòng ngừa chung, phòng ngừa lây nhiễm tại khu vực khám bệnh, nhà thuốc, lấy mẫu xét nghiệm, quy định hạn chế người bệnh, người nhà…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm