Hai bệnh nhân tử vong do cúm A/H1N1 đều bị bệnh tim mạch

(Dân trí) - Chiều 21/9/2009, ông Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường cho biết, hai bệnh nhân nhiễm cúm A/H1N1 tử vong mới đây đều có tiền sử bệnh tim mạch nặng.

Về ca tử vong tại Bình Phước, theo điều tra tiền sử của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước, bệnh nhân nữ này 42 tuổi và có tiền sử điều trị bệnh tim mạch trong khoảng 2-3 năm nay. Bản thân người bệnh khi tới viện điều trị cùng với triệu chứng cúm, đi ngoài thì cũng bị suy tim độ hai.
 
Bệnh nhân khởi bệnh ngày 15/9/2009 với triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, đi ngoài phân lỏng, điều trị tại nhà 2 ngày nhưng không đỡ. Ngày 18/9/2009, bệnh nhân đến khám và nhập bệnh viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán ban đầu là viêm phổi nặng, theo dõi suy tim độ 2, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, trợ tim mạch, kháng sinh nhưng không đỡ và tử vong, được xác định dương tính cúm A/H1N1.

Cũng trong ngày 21/9/2009 theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, bệnh nhân nữ 46 tuổi trú tại thôn 6, xã Hoà An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk xác định cúm A/H1N1 và tử vong ngày 20/9 cũng có tiền sử bệnh tim bẩm sinh (thông liên nhĩ) đã mổ tim cách đây 2 năm.

Ngày 10/9/2009 bệnh nhân vào điều trị tại khoa Tai mũi họng của bệnh viện đa khoa tỉnh với chẩn đoán là: Viêm tai xương chũm được điều trị đến ngày thứ 5 (15/9/2009) bệnh ổn định, bệnh nhân xin xuất viện về nhà. Đến 16h10, ngày 16/9/2009 bệnh nhân đến nhập viện huyện Krông Pắk với triệu chứng sốt cao, khó thở được chẩn đoán viêm phổi nặng, suy hô hấp độ 3 và điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh nhưng không đỡ nên chuyển đến khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viên đa khoa tỉnh Đắk Lắk lúc 17h30 ngày 17/9/2009.

Tại đây bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi thuỳ, suy tim. Chẩn đoán phân biệt với viêm phổi do virus, tiên lượng nặng, bệnh nhân được điều trị hồi sức tích cực, kháng sinh, trợ tim mạch, Tamiflu theo đúng phác đồ của Bộ Y tế và lấy mẫu bệnh phẩm làm xét nghiệm, đến ngày 19/9/2009 Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên trả lời dương tính với vi rút cúm A/H1N1.

Trong quá trình điều trị bệnh nhân giảm sốt, đỡ khó thở, phim XQ phổi sau 3 lần chụp không có hình ảnh tổn thương tiến triển, ăn được cháo sữa. Tuy nhiên tình trạng tim mạch không cải thiện: mạch quay nhanh nhỏ, huyết áp dao động thấp phải can thiệp vận mạch (Dolbutamin) nhưng không hồi phục và tử vong hồi 8h15 ngày 20/9/2009 với chẩn đoán Viêm phổi nặng/có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A/H1N1/bệnh nhân mổ tim bẩm sinh.

Như vậy, tính đến nay, trong 9 ca tử vong có liên quan đến cúm A/H1N1 thì có tới 8/9 người bệnh có yếu tố nguy cơ cao là mang các bệnh mãn tính. Vì thế, Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo mạnh mẽ những người mắc bệnh mạn tính (bệnh tim mạch, hen, lao phổi, tiểu đường, béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh nhân AIDS, bệnh hệ thống...), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện cúm A/H1N1 cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

Về dịch cúm A/H1N1 tại Việt Nam, các nhà chuyên môn nhận định dịch đang ở giai đoạn lây lan mạnh ra cộng đồng và con số bệnh nhân chắc chắn sẽ tiếp tục tăng trong mùa đông. Cụ thể trong thời gian gần đây, mỗi ngày Việt Nam đều nghi nhận từ 200-300 ca dương tính mới mỗi ngày. Tính đến nay, Việt Nam đã ghi nhận 7.156 trường hợp dương tính, 09 ca tử vong. Số bệnh nhân đã khỏi ra viện là 4.783, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Hồng Hải

Bình luận (0)
để gửi bình luận