1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội trả lời vì sao sau phun hóa chất muỗi vẫn bay hàng đàn vào nhà

(Dân trí) - Tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch chiều 25/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Hà Nội trả lời câu hỏi: “Phun hoá chất diệt muỗi có thực sự hiệu quả, khi người dân phản ánh sau phun hoá chất lại thấy muỗi bay vào nhà”.

Dân kêu sau phun hóa chất muỗi vẫn hàng đàn

Trước đó, chiều 24/8, lãnh đạo UBND Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung cũng yêu cầu Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội trả lời câu hỏi này, vì người dân phản ánh sau phun hóa chất, muỗi lại bay hàng đàn vào nhà.

Tại cuộc họp chiều 25/8, TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết, để trả lời câu hỏi này, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Viện Sốt rét Kí sinh trùng trung ương sẽ trả lời, dựa trên kết quả đánh giá độc lập của họ để đảm bảo khách quan.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: H.Hải
TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội. Ảnh: H.Hải

GS Long khuyến cáo Hà Nội không nên tính các ổ dịch nhỏ lẻ, mà phải coi mỗi phường, mỗi quận là một ổ dịch để tập trung phun hóa chất cuốn chiếu diệt muỗi trên diện rộng, giám sát đảm bảo diệt loăng quăng triệt để, ngăn chặn đàn muỗi mới được nở ra.

Tại Hà Nội trong 2 tuần qua số mắc SXH có chiều hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao, do hiện nay đang vào cao điểm mùa dịch.

Hà Nội hiện tiếp tục triển khai diệt bọ gậy tại cộng đồng, phun thuốc diệt muỗi trưởng thành tại các ổ dịch.

Trong đó, việc phun hóa chất trong tuần phấn đấu 100% trường học được phun, đảm bảo đầu tháng 9 học sinh quay trở lại trường.

TS Cảm cho biết, trước khi triển khai diệt bọ gậy 30 – 50% số hộ gia đình có bọ gậy, diệt đã mang lại hiệu quả nhưng vẫn chưa được triệt để.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chất vấn Hà Nội, các đội xung kích có thực sự hiệu quả? Hiệu quả của phun muỗi đến đâu khi người dân phản ánh sau phun vẫn thấy muỗi bay vào nhà?

Về vấn đề này, TS Cảm cho biết qua kiểm tra hoạt động của đội xung kích diệt bọ gậy tại một số xã phường chưa thực hiện đúng được quy định là không quá 50 hộ gia đình/một đội. Với số lượng này mới đảm bảo đi hết, đến từng nhà để kiểm tra, diệt bọ gậy. Sau khi phát hiện, ngành đã yêu cầu bổ sung để đảm bảo quân số, đảm bảo mỗi đội chỉ phụ trách 40 – 50 hộ gia đình.

Muỗi trưởng thành bị tiêu diệt 100% sau 24 giờ phun hóa chất

Trả lời câu hỏi “Vì sau sau phun hóa chất muỗi vẫn bay ra”, TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, kết quả giám sát của 3 tổ cán bộ của Viện về hoạt động phun hóa chất của Hà Nội khẳng định hóa chất hiệu quả, muỗi bị tiêu diệt.

TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải hiện tượng sau phun hóa chất, muỗi vẫn bay vào nhà. Ảnh: H.Hải
TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương lý giải hiện tượng sau phun hóa chất, muỗi vẫn bay vào nhà. Ảnh: H.Hải

“Đánh giá độc lập các hoạt động của Hà Nội từ ngày 14 – 21/8 , 3 đội phụ trách đã đánh giá trước và sau phun thuốc diệt muỗi tại phường Thịnh Liệt (Hoàng Mai), Phường Thanh Lương (Hai Bà Trưng), phường Khương Thượng (Đống Đa). Kết quả tại cả 3 phường này, chỉ số muỗi trưởng thành bằng 0 sau phun hóa chất 24 giờ”, ông Dương khẳng định.

“Điều này cho thấy muỗi trưởng thành đều chết hết. Muỗi bị tiêu diệt nhanh, hạ gục gọn sau phun hóa chất”, ông Dương nói tiếp.

Tuy nhiên, chỉ số bọ gậy rất quan trọng, giải thích cho hiện tượng “Vì sao sau phun hóa chất muỗi vẫn bay vào nhà”?

“Chỉ số bọ gậy rất quan trọng, phải làm đồng bộ với phun. Tại phường Thịnh Liệt chỉ số nước chứa bọ gậy là 26%, nhưng sau diệt bọ gậy vẫn còn 12%. Tại Thanh Lương trước 40%, sau diệt bọ gậy trở về 30%. Điều này cho thấy bọ gậy có giảm nhưng chưa triệt để, giải thích cho câu chuyện, sau 24 giờ phun hóa chất, không phát hiện muỗi trưởng thành nhưng sau 2 – 3 hôm muỗi lại bay vào nhà”, TS Dương nói.

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ giải thích: “Do diệt bọ gậy chưa triệt để. Phun hóa chất chỉ diệt ngay, nhất thời đoàn muỗi trưởng thành đang mang vi rút. Khi bọ gậy chưa được diệt triệt để, ở tuổi loăng quăng trưởng thành, thậm chí sau vài giờ nở ra ngay thành đàn muỗi mới, bay vào nhà. Đó là muỗi do bọ gậy chưa được xử lý triệt để, nở ra”, TS Dương nói.

Kết quả giám sát mật độ muỗi trước – sau phun hóa chất do Viện sốt rét kí sinh trùng Trung ương thực hiện tại phường Thanh Xuân Nam, Khương Đình cũng cho kết quả tương tự.

Tại phường Thanh Xuân Nam chỉ số mật độ mỗi 0,37 con trước phun, xuống còn 0,7 sau phun. Bọ gậy từ 10% xuống 7% sau can thiệp.

“Chỉ số bọ gậy giảm không nhiều, lý giải tại sao sau phun lại vẫn có muỗi, do còn các ổ bọ gậy mới, nở ra thành đàn muỗi mới”, đại diện Viện Sốt rét kí sinh trùng Trung ương cho biết.

“Thuốc Hà Nội đang dùng cũng giống thuốc các tỉnh thành trong cả nước. Thuốc này WHO mới nhất khuyến cáo, là thuốc đầu bảng sử dụng hiện nay trong diệt muỗi truyền sốt xuất huyết”, TS Dương khẳng định.

GS.TS Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Hà Nội phải coi mỗi quận, huyện là một ổ dịch để phun hóa chất cuốn chiếu, giám sát hoạt động diệt bọ gậy. Ảnh: H.Hải
GS.TS Nguyễn Thanh Long chỉ đạo Hà Nội phải coi mỗi quận, huyện là một ổ dịch để phun hóa chất cuốn chiếu, giám sát hoạt động diệt bọ gậy. Ảnh: H.Hải

GS Nguyễn Thanh Long nhận định dù Hà Nội đã chững lại, nhưng vẫn đang trong giai đoạn căng thẳng của dịch SXH. “Chúng ta phải chạy đua với thời gian để ngăn chặn dịch bệnh. Ví như tại trường học có một ổ dịch, muỗi đốt mang mầm bệnh lại truyền cho các trẻ khác thì sẽ lan truyền rất nhanh. Không riêng Hà Nội mà cả nước cần phải tập trung, quyết liệt diệt bọ gậy, diệt muỗi để ngăn chặn SXH”, GS Long chỉ đạo.

“Chúng tôi đặt câu hỏi, tại sao SXH vẫn tăng, bởi chúng ta chưa diệt hết được bọ gậy. Để diệt bọ gậy, là nhiệm vụ của đội xung kích, người dân, các cấp chính quyền, không có cách nào khác. Phải quyết liệt, mạnh mẽ hơn để tăng hiệu quả diệt bọ gậy”, GS Long nói.

GS Long cũng kêu gọi mọi người dân tham gia vào phòng chống dịch bệnh, trước hết là bảo vệ chính bản thân mình và người xung quanh. “50% hộ gia đình chỉ cho phun tầng 1, vài tiếng sau muỗi từ tầng trên bay xuống, nếu cứ như vậy chúng ta không thể diệt được muỗi. 10% hộ gia đình vẫn từ chối phun. Hóa chất không riêng Việt Nam sử dụng, tất cả các nước đều sử dụng, WHO khẳng định an toàn. Vì thế, hợp tác để phòng chống dịch bệnh, trước hết cho chính cá nhân mình, gia đình rồi mới đến cộng đồng”.

Bên cạnh đó cũng không được lơ là trước các dịch bệnh khác như tay chân miệng, cúm…

Chiều 25/8, tại cuộc họp giao ban phòng chống dịch, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết cả nước đã ghi nhận trên 100 nghìn ca mắc SXH, hơn 84 nghìn trường hợp nhập viện. Số mắc SXH so với cùng kỳ năm ngoái tăng gần 48%, tử vong tăng 9 trường hợp.

10 tỉnh có số mắc cao nhất chủ yếu tại miền Nam (6 tỉnh) và miền Bắc (2 tỉnh), miền Trung (2 tỉnh). Trong đó Đà Nẵng, Bình Dương, Hà Nội có số mắc cao nhất cả nước.

Hồng Hải