Hà Nội: Tìm chìa khóa, người đàn ông bị rắn trốn trong tủ cắn suýt hoại tử

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong lúc lấy chìa khóa trong hốc tủ ông Q. bị một con vật cắn. Sau khi định thần lại và dùng đèn pin truy vết người đàn ông nhận biết được rắn hổ mang ẩn nấp trong nhà mình.

Ông N.V.Q. (sống tại Ba Vì, Hà Nội) bị rắn hổ mang cắn tại nhà riêng. Ông đã sơ cứu trước khi đến trạm y tế gần nhà và được giới thiệu đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được xử trí, cấp cứu kịp thời.

Theo lời kể lại, khoảng 19h, trong lúc lấy chìa khóa trong hốc tủ thì ông Q. bị một con vật cắn. Sau khi định thần lại và dùng đèn pin truy vết thì ông nhận biết được rắn hổ mang ẩn nấp trong nhà mình.

Khi đến Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, vị trí rắn cắn tại mu bàn tay đã sưng nề, khó cử động, bệnh nhân cảm thấy đau buốt. Các bác sĩ đã thăm khám, chỉ định thực hiện xét nghiệm đông máu tại giường và đưa ra chẩn đoán: "Rắn hổ mang cắn giờ thứ 2".

Hà Nội: Tìm chìa khóa, người đàn ông bị rắn trốn trong tủ cắn suýt hoại tử - 1

Vị trí bệnh nhân bị cắn (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân đã được điều trị theo phác đồ, sử dụng 15 lọ huyết thanh kháng nọc độc rắn hổ. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã đỡ đau buốt, bàn tay cử động bình thường, sưng nề giảm và có thể ra viện sau 5-7 ngày theo dõi ổn định.

Trường hợp khác là hai bé gái sinh đôi N.T.T.T. và N.T.T.L. (9 tuổi, sống tại Tam Nông, Phú Thọ) bị rắn hổ cắn trong lúc chơi đùa tại sân nhà. Sau khi bố mẹ phát hiện đã bắt giữ lại con rắn đồng thời liên hệ tới trung tâm y tế gần nhất.

Sau đó, hai bé đã được chuyển tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ để được cấp cứu và sử dụng thuốc đặc trị.

Qua thăm khám, 2 bé vẫn tỉnh táo tuy nhiên xuất hiện đau nhức ngón tay và sưng nề bàn tay phải (nơi bị rắn cắn). Cùng với vật chứng được gia đình cung cấp, các bác sĩ đã đưa ra chẩn đoán: "Rắn hổ cắn giờ thứ 3".

Hai bệnh nhi được bất động chi cắn, kê cao vùng tay, vệ sinh vết cắn và được chỉ định dùng "huyết thanh kháng nọc rắn hổ". Trong đó bé N.T.T.T. bị cắn trước, tình trạng sưng đau nhiều nên phải sử dụng tới 8 lọ huyết thanh, còn bé N.T.T.L. bị cắn sau nên sử dụng 2 lọ.

Sau một ngày theo dõi điều trị, hai bé đã có thể xuất viện và trở về gia đình.

Theo BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, số lượng rắn độc tại Việt Nam rất nhiều, đặc biệt là rắn hổ mang, tiếp đó là rắn lục đuôi đỏ. Tuy nhiên, rắn hổ mang vẫn là loài đáng sợ nhất do có thể gây hoại tử ngay lập tức bộ phận bị cắn.

Người dân Việt Nam thường có thói quen chủ động bắt rắn. Điều này dẫn đến những trường hợp nguy hiểm tính mạng. Bên cạnh đó, những tai nạn hi hữu cũng có thể xảy ra do sự thiếu thận trọng của người dân.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, cần sơ cứu khi bị rắn cắn đồng thời vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện sớm nhất có thể.

Các bước sơ cứu khi bị rắn cắn:

- Người bệnh cần bình tĩnh, được trấn an.

- Hạn chế sự di chuyển của người bệnh, nếu di chuyển cần có hỗ trợ.

- Bất động chân, tay bị cắn bằng nẹp.

- Băng ép bất động với một số loại rắn hổ (rắn cạp nong, cạp nia, hổ mang,…), không băng ép khi rắn cắn vì có thể làm vết thương nặng thêm.

- Dùng các băng chun giãn, băng vải hoặc tự tạo từ khăn, quần áo. Băng tương đối chặt nhưng không quá mức (còn sờ thấy động mạch đập). Bắt đầu băng từ ngón chân, tay đến hết toàn bộ chân, tay bị cắn. Dùng nẹp cứng (nẹp, miếng gỗ, que, miếng bìa cứng…) cố định chân, tay bị cắn.

- Cởi bỏ đồ trang sức ở chân, tay bị cắn (vì có thể gây chèn ép khi vùng đó bị sưng nề).

- Làm sạch vết thương bằng xà phòng hoặc nước muối sinh lý.

- Nếu bệnh nhân khó thở thì hô hấp nhân tạo (hà hơi thổi ngạt hoặc bằng phương tiện y tế có tại chỗ như bóp bóng, máy thở xách tay,..). Nếu có dấu hiệu ngừng tuần hoàn thì tiến hành hồi sinh tổng hợp ngay tại chỗ và chờ nhân viên y tế đến

- Vận chuyển bệnh nhân bằng phương tiện đến bệnh viện đồng thời duy trì băng ép, bất động, để vùng bị cắn thấp hơn vị trí của tim, nếu ở chân, tay thì có thể để thõng tay hoặc chân.…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm