1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Tiêm vắc xin Quinvaxem từ tháng 11

(Dân trí) - GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng cho biết, đến nay đã có 12 tỉnh thành cho tiêm trở lại vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem, ghi nhận 53 trường hợp có phản ứng nhưng đều là phản ứng nhẹ.

Hà Nội: Tiêm vắc xin Quinvaxem từ tháng 11
Theo dõi trẻ sau tiêm chủng là rất quan trọng để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường sau tiêm. Ảnh minh họa: T.A
Sau 5 tháng tạm dừng vắc xin Quinvaxem để điều tra vì có một loạt các phản ứng sau tiêm chủng ở trẻ xảy ra khi tiêm vắc xin này, cuối tháng 9, Chính phủ đã cho phép Bộ Y tế sử dụng lại vắc xin Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng, sau khi có kết luận chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về mẫu kiểm nghiệm vắc xin đạt tiêu chuẩn an toàn, có hiệu quả phòng bệnh.

Nhận định về sự cố sau tiêm vắc xin Quinvaxem ở Tiền Giang khiến 32 trẻ phải nhập viện theo dõi, ông Cảm cho rằng, những biểu hiện phản ứng sau tiêm vắc xin như sốt, quấy khóc là bình thường. “Theo tôi được biết, tỷ lệ trẻ phản ứng sau tiêm ở Tiền Giang vừa qua không cao hơn trước đây. Nhưng vì vừa rồi lượng trẻ đến tiêm quá đông (do dồn từ 5 tháng dừng tiêm) nên sẽ có nhiều trẻ bị phản ứng”, Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc TTYT dự phòng Hà Nội, nói.

Đến nay, đã có 12 tỉnh thành sử dụng lại vắc xin Quinvaxem vào chương trình tiêm chủng mở rộng và có 53 trường hợp ghi nhận có phản ứng sau tiêm chủng, tuy nhiên, đều là những phản ứng nhẹ sau tiêm.

Tại Hà Nội, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYT dự phòng Hà Nội cho biết, Hà Nội đã sẵn sàng cho lịch tiêm chủng vắc xin Quinvaxem và sẽ tiêm đúng lịch. Theo đó ngày 5/11 tới, đồng loạt các xã, phường sẽ triển khai tiêm chủng vắc xin này. Thời gian tiêm sẽ kéo dài khoảng 5 ngày tùy từng địa phương, trên cơ sở số trẻ đến tiêm tại mỗi khu vực.

Tại Hà Nội, để chuẩn bị cho việc tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem vào đầu tháng 11 tới, Hà Nội đã kiểm tra 100% các điểm tiêm chủng trên toàn thành phố và các điểm tiêm chủng đều đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, mỗi trạm y tế xã, phường cũng đã thành lập một đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý nhanh khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ. Các bệnh viện của Hà Nội cũng sẽ chịu trách nhiệm tiếp nhận, xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng được chuyển đến. Tôi xin khẳng định, Hà Nội đã thực hiện đầy đủ tất cả các qui định của Bộ Y tế và sẽ nỗ lực hơn để công tác tiêm chủng đạt kết quả tốt.

“Bên cạnh việc tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, chúng tôi cũng kêu gọi người dân hợp tác tốt khi cho con đi tiêm chủng bằng cách thông báo cụ thể với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử dị dứng (nếu có). Theo dõi chặt trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường (sốt cao, co giật, tím tái… và đưa ngay đến cơ sở y tế nếu có những phản ứng bất thường đó”, ông Cảm khuyến cáo.

Hồng Hải