Hà Nội: Nhiều học sinh ngộ độc thực phẩm vì ăn quà vặt

Minh Nhật

(Dân trí) - Thời tiết nắng nóng, thực phẩm để ngoài trời rất dễ bị hỏng, ôi thiu. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các ca ngộ độc thực phẩm gia tăng vào mùa hè.

Nhập viện sau khi ăn quà vặt

Sau khi uống sữa mua tại hàng tạp hóa gần nhà lúc 21h, bé trai M.Q., 5 tuổi, sống tại Hà nội đến nửa đêm bất ngờ xuất hiện tình trạng đau bụng và buồn nôn.

"Triệu chứng đau bụng và nôn nhiều khởi phát lúc 0h sau đó tăng dần lên. Lúc đầu gia đình theo dõi bé ở nhà, nhưng đến 5h tình trạng không cải thiện nên đưa đến bệnh viện thăm khám.

Hà Nội: Nhiều học sinh ngộ độc thực phẩm vì ăn quà vặt - 1

BS Nhân thăm khám cho bệnh nhi (Ảnh: Đoàn Thủy).

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bệnh nhi được thăm khám, chụp X-quang và siêu âm ổ bụng. Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, viêm ruột.

Sau đó, bệnh nhi tiếp tục được chuyển lên Khoa nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Lây. Tại đây, sau 2 ngày điều trị, tình trạng bệnh nhi dần ổn định, đã có thể ăn uống được, đi lại bình thường.

Một trường hợp khác là nam học sinh lớp 8, được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn với tình trạng nôn nhiều, đau quặn bụng, da mặt tái. Khám lâm sàng, trẻ được chẩn đoán ngộ độc thực phẩm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi có các chỉ số về nhiễm khuẩn tăng cao; siêu âm bụng có tăng tiết dịch trong đường ruột.

Bệnh nhi được điều trị ngộ độc thực phẩm theo hướng nhiễm khuẩn từ thức ăn đã đáp ứng tốt, hồi phục nhanh.

Từ khi thời tiết chuyển sang hè, các trường hợp bệnh lý đường tiêu hóa nghi ngờ do thực phẩm mà Khoa nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Lây tiếp nhận tăng 10-20% (cả phòng khám và khu điều trị nội trú).

Theo BSCKII Nguyễn Thị Hồng Nhân, Trưởng khoa nhi Tiêu hóa - Dinh dưỡng - Lây, trung bình mỗi ngày tại phòng khám tiếp nhận 10-12 trường hợp có dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Mỗi ngày cũng có 2-4 ca nặng phải nhập viện điều trị nội trú.

"Các bệnh nhi ở đủ các lứa tuổi, hay gặp nhất là nhóm bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng đến dưới 5 tuổi", BS Nhân cho hay.

Đáng chú ý, theo chuyên gia này, qua khai thác tiền sử, có không ít trường hợp các bệnh nhi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm do trước đó ăn quà vặt tại cổng trường, hàng quán vỉa hè. Mới đây nhất là một trường hợp trẻ nhập viện sau khi ăn được một nửa cái bánh mì mua gần trường học.

Theo phân tích của chuyên gia này, thời tiết nắng nóng, thực phẩm để ngoài trời rất dễ bị hỏng, ôi thiu. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến các ca ngộ độc thực phẩm gia tăng vào mùa hè.

Cùng với đó, các món quà vặt, đồ ăn vỉa hè khó kiểm soát được chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: Thực phẩm kém chất lượng, quá trình chế biến và bảo quản không đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.

Do đó, các bậc phụ huynh cần có phương án kiểm soát việc ăn uống của con em, chỉ cho trẻ ăn thực phẩm của cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng.

Mùa cao điểm ngộ độc thực phẩm: Phụ huynh cần lưu ý

Theo ghi nhận thực tế của phóng viên báo Dân trí, nhiều quán bán đồ ăn vặt cạnh trường học trên địa bàn Hà Nội không đảm bảo các yếu tố vệ sinh an toàn thực phẩm.

Thậm chí có các hàng bán viên chiên, người bán thản nhiên dùng tay không bốc các viên thực phẩm đông lạnh đã bị rã đông, chảy nước lõng bõng thả vào chảo dầu, học sinh vẫn vô tư ăn. Những hành vi mất vệ sinh, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây nhiễm khuẩn vẫn đang xảy ra hàng ngày.

Hà Nội: Nhiều học sinh ngộ độc thực phẩm vì ăn quà vặt - 2

Tình trạng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm ở quầy bán đồ ăn vặt (Ảnh: Đoàn Thủy).

BS Nhân khuyến cáo, để tránh ngộ độc thực phẩm chúng ta nên lưu ý đến các biện pháp phòng ngừa sau đây:

- Nên lựa chọn thực phẩm tươi sống có nguồn gốc rõ ràng. Với những thực phẩm đã giết mổ, pha chế sẵn thì nên mua ở những nơi có uy tín, có bảo hành chất lượng cho các sản phẩm của mình.

- Cần đảm bảo vệ sinh khâu chế biến thực phẩm. Rửa rau quả dưới vòi nước chảy trước khi nấu, chế biến và gọt vỏ trước khi ăn. Đảm bảo các dụng cụ nhà bếp phải sạch sẽ.

- Phải luôn luôn rửa sạch tay thật kĩ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với các loại thú, vật nuôi.

- Cần phải nấu chín kĩ thức ăn trước khi ăn.

- Các thực phẩm để dành, nếu để ngoài tủ lạnh thì không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn. Cất giữ thịt và cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong ngăn đá của tủ lạnh; giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu ở nhiệt độ dưới 5 độ C.