Hà Nội: Mê man, chảy máu miệng vì sưởi than khi ngủ

(Dân trí) - Dù đã biết khí CO có thể gây ngạt, cẩn thận để lò sưởi than ở giữa cửa phòng, khép hờ cánh cửa rồi ngủ nhưng bà N.T.N (48 tuổi, Hoài Đức, Hà Nội) vẫn bị ngộ độc khí CO đến mê man, chảy máu miệng, được người nhà phát hiện ở tư thế muốn vùng dậy khỏi giường nhưng không thể dậy được.

BS Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, sáng 28/1, bà N được gia đình đưa vào Trung tâm chống độc (BV BẠch Mai) trong tình trạng bất tỉnh, hôn mê do ngộ độc khí CO.

Bệnh nhân ngộ độc khí than vẫn đang phải thở máy tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải
Bệnh nhân ngộ độc khí than vẫn đang phải thở máy tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai). Ảnh: H.Hải

Người nhà bệnh nhân cho biết, tối 27/1, vì lạnh quá, bà N dùng than để sưởi ấm. Trong nhà có nhiều người nhưng mọi người đều ngủ trên tầng 2, còn bà N ngủ một phòng ngủ rộng chừng 15m2 dưới tầng 1. Biết khí than CO có thể gây độc, bà N không dám mang lò than vào phòng ngủ mà chỉ để giữa cửa phòng, khép hờ cánh cửa để lấy hơi ấm.

Khoảng 8h sáng hôm sau, khi mọi người trong nhà tỉnh dậy, xuống nhà không thấy bà N đâu, giữa cửa phòng lò than vẫn còn hơi ấm. Đẩy cửa bước vào mọi người bủn rủn chân tay vì bà N ở trong tư thế muốn ngồi dậy nhưng không thể ngồi được, hai chân đã bỏ thõng xuống dưới đất, miệng chảy máu, bất tỉnh.

BS Nguyên cho biết, đây là ca ngộ độc khí CO đầu tiên Trung tâm chống độc tiếp nhận trong mùa rét này. Các năm trước đó, tần suất gặp nhiều hơn, chủ yếu từ các địa phương chuyển đến. Bệnh nhân ở thời điểm nhập viện hôn mê, các bác sĩ chẩn đoán có dấu hiệu tổn thương não. Sau hơn 4 ngày nằm viện, tình trạng bệnh nhân đã được cải thiện, gọi, hỏi có đáp ứng nhưng vẫn còn rất chậm.

Bệnh nhân bị tổn thương não vì ngộ độc khí CO do sưởi than khi ngủ

BS Nguyên lý giải hiện tượng bà N muốn vùng dậy khỏi giường mà không thể dậy, nguyên nhân là do khí carbon Monoxide (CO) là một chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Do vậy, khi bị ngộ độc thường khó phát hiện, đến khi người bệnh nhận biết được mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa, cứ lịm đi.

Dù mơ màng nhận thấy có gì đó bất thường nhưng họ không thể vùng dậy do CO là chất gây ngạt toàn thân. CO tranh chấp với oxy, gây giảm oxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể, những cơ quan nào sử dụng nhiều oxy nhất sẽ bị tổn thương nặng nhất, đặc biệt là các cơ quan quan trọng là não và tim, khiến bệnh nhân không thể điều khiển được nhấc mình khỏi nguy hiểm.

Các ca ngộ độc khí CO dễ tử vong nếu phát hiện và điều trị muộn hoặc có thể để lại di chứng thần kinh - tâm thần nặng nề (4 - 40%). Phụ nữ mang thai, thai nhi, người cao tuổi, người có bệnh lý mạch vành, mạch máu não nguy cơ bị ngộ độc nặng hơn.

Vì thế, Trung tâm chống độc BV Bạch Mai luôn khuyến cáo mạnh mẽ mọi người tuyệt đối không dùng than củi, đốt lửa để sưởi ấm, nhất là trong phòng đóng kín cửa. Từ đầu mùa rét đến nay, đã có nhiều cái chết thương tâm ở Nghệ An, Quảng Bình, Lạng Sơn do sưởi ấm bằng đốt củi, sưởi than.

“Các ca ngộ độc thường xảy ra với nhiều người trong một gia đình, do sinh hoạt trong khuôn viên chung khép kín. Vì thế, đừng bao giờ giữ ấm bằng đốt củi, than mà hãy giữ ấm bằng đóng kín cửa, sửa các khe cửa tránh gió lùa, mặc nhiều lớp quần áo giữ ấm”, BS Nguyên khuyến cáo.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm