Hà Nội: Lúng túng xử lý bác sĩ 2 lần làm chết trẻ!

(Dân trí) - Cách đây 5 tháng, tại phòng khám “chui” của bác sĩ Phạm Anh Sơn cũng đã xảy ra tử vong ở trẻ sau tiêm kháng sinh chữa viêm phổi và lúc đó, ông Sơn đã kí cam kết không khám bệnh tại nhà nếu chưa được cấp phép nhưng rồi tiếp tục... gây chết người.

Cam kết nhưng vẫn cố tình vi phạm!
 
Tháng 6/2013, sau khi bị xử phạt hành chính vì khám bệnh khi chưa được cấp phép hành nghề, gây hậu quả khiến bệnh nhi L.K.L tử vong sau tiêm thuốc kháng sinh, ông Phạm Anh Sơn đã kí cam kết với Ban Giám đốc BV Đa khoa Thường Tín sẽ không hành nghề khi chưa được cấp phép. Tuy nhiên, sau đó một thời gian, ông Sơn lại khám bệnh trở lại dù giấy phép hành nghề chưa được cấp và sự việc chỉ vỡ lở khi bệnh nhi N.Đ.Q (16 tháng tuổi) tử vong tại đây sau khi tiêm mũi thuốc thứ 2 chữa viêm phổi mà BS Sơn là người trực tiếp kê đơn, bán thuốc và tiêm cho bệnh nhân.

Theo bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng cấp phép Sở Y tế, Hà Nội, BS Sơn đã được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề khám - chữa bệnh chuyên khoa Nhi và đang làm thủ tục xin cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám tư nhân tại nhà. Đến thời điểm gây ra cái chết cho bệnh nhi N.Đ.Q, phòng khám này vẫn chưa được cấp phép.

"BS Sơn có nhiều vi phạm trong hành nghề. Không chỉ khám bệnh khi chưa được cấp phép, ông Sơn còn bán thuốc, thực hiện tiêm truyền cho bệnh nhân là không đúng quy định. Kể cả ở các phòng khám được cấp phép hoạt động, bác sĩ cũng không được vừa kê đơn vừa bán thuốc, không được thực hiện thủ thuật tiêm cho bệnh nhân (trừ trường hợp cấp cứu)...”, bà Hà nói.
 
Vụ trẻ tử vong tại phòng khám tư:
Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội trả lời báo giới chiều 25/11 về vụ việc bé trai 16 tháng tuổi tử vong xảy ra tại phòng khám tư không phép. Ảnh: H.Hải

Đánh giá về vụ việc, ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng rất nghiêm trọng và quan điểm của Sở là xử lý nghiêm. Hiện BV đã tạm đình chỉ công tác bác sĩ trong vòng 15 ngày để phục vụ công tác điều tra. Tiếp đó, khi có kết luận của công an về nguyên nhân tử vong sẽ có hướng xử lý tiếp theo, thậm chí rút chứng chỉ hành nghề của bác sĩ này.

Sau vụ việc xảy ra tại thẩm mỹ viện Cát Tường, Sở Y tế Hà Nội đã lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành và giao các quận, huyện rà soát các phòng khám tư trên địa bàn, đến cuối tháng 11 Sở Y tế mới có thống kê, xác định Hà Nội có bao nhiêu phòng khám không phép đang hoạt động.

Lúng túng trong xử lý

Theo ông Dung, sau khi bị xử lý hành chính vì khám “chui” và dẫn đến 1 bệnh nhi tử vong vì sốc phản vệ, BS Sơn đã kí cam kết với Ban Giám đốc bệnh viện sẽ không khám bệnh khi chưa được cấp giấy phép hoạt động. BS này cũng bị cắt tiền thu nhập tăng thêm của tháng 7, nhưng sau đó, BS này vẫn tiếp tục hành nghề chui. Cũng theo ông Dung, việc quản lý hoạt động khám chữa bệnh ngoài công lập còn khó khăn bởi ý thức chấp hành pháp luật của người hành nghề còn hạn chế. Riêng tại huyện Thường Tín có 5 phòng khám có bác sĩ công lập hành nghề ngoài giờ không phép, quận Hà Đông 10 phòng khám không phép.

Dù xác định bác sĩ Sơn có nhiều sai phạm trong hành nghề nhưng Sở Y tế Hà Nội lúng túng khi trả lời câu hỏi, về phương diện quản lý, Sở Y tế sẽ xử lý trường hợp bác sĩ hành nghề chui gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào?

Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, trong trường hợp này, giả dụ trước đó BS Sơn đã được cấp phép hoạt động thì với vi phạm này là hành nghề quá phạm vi, ngoài việc xử phạt sẽ phải tước chứng chỉ hành nghề, đóng cửa hoạt động phòng khám. Theo quy định sẽ tước chứng chỉ hành nghề từ 6 - 12 tháng.
 
Bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng cấp phép Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải
Bà Trần Nhị Hà, Trưởng phòng cấp phép Sở Y tế Hà Nội. Ảnh: H.Hải

Bà Trần Nhị Hà cho biết, theo luật khám chữa bệnh, người hành nghề bị thu hồi chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hành nghề khi chứng chỉ hành nghề không được cấp đúng thẩm quyền, có nội dung trái pháp luật. Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn kỹ thuật gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe tính mạng người bệnh thì phải thu hồi chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hành nghề. Nếu đối chiếu với trường hợp này, BS Sơn sẽ phải thu hồi chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, Sở Y tế đã báo cáo lên sự việc Bộ xin ý kiến về hình thức xử lý, có rút chứng chỉ hành nghề cũng như có được cấp phép hoạt động sau này hay không.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Dung cho rằng, BS Sơn đã không có ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện việc khám chữa bệnh theo quy định của pháp luật, không chấp hành quy định của ngành y về khám chữa bệnh nhất là vai trò của người trường khoa. Với vi phạm hai lần liên tiếp, nếu theo điều 29 của Luật Khám chữa bệnh sẽ bị thu hồi chứng chỉ hành nghề và đình chỉ hành nghề. "Trường hợp này trước mắt chắc chắn sẽ phải tạm dừng việc cấp giấy phép hoạt động. Còn việc sau này có cấp tiếp hay không phụ thuộc vào kết quả điều tra của công an về trường hợp bệnh nhi tử vong", ông Dung nói.

Hồng Hải