Hà Nội: Không có trường hợp nào sinh con tại nhà "thuận tự nhiên"
(Dân trí) - Mạng xã hội đang lan truyền bài viết về một trường hợp sinh con thuận tự nhiên tại nhà, có gắn thẻ thể hiện vị trí ở Chương Mỹ, TP Hà Nội. Cơ quan chức năng khẳng định sự việc không xảy ra tại Hà Nội.
Trước đó, một tài khoản facebook có tên N.M., đã đăng một bài viết kèm hình ảnh về một sản phụ tự sinh con tại nhà. Dòng trạng thái này có gắn thẻ thể hiện vị trí ở thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội.
Theo người này, một phụ nữ đã sinh con thuận tự nhiên tại nhà lúc 4h30 ngày 11/6, bé trai nặng 3,3kg và ước "từ nay tất cả các mẹ đều sinh con giống tổ tiên của chúng mình khi chưa xuất hiện bệnh viện để những đứa trẻ không phải ra đời trong tay của người xa lạ"…
Nhiều bác sĩ ngay lập tức lên án việc lan truyền sinh con thuận tự nhiên như trên. Thực tế, các bà mẹ mang thai được chăm sóc, thăm khám, đỡ đẻ bởi bàn tay của các y bác sĩ nhưng mỗi năm vẫn có nhiều ca tử vong do tai biến sản khoa.
Ông Dương Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Chương Mỹ, cho biết, trung tâm đã chỉ đạo trạm y tế báo cáo UBND xã, phối hợp cùng công an xã, lãnh đạo thôn đến điều tra người có tài khoản facebook như trên.
Qua xác minh, tài khoản facebook có tên N.M. là của chị N.T.M., sinh năm 1975, đang sinh sống tại thôn Phú Mỹ, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Người phụ nữ sinh con tại nhà trong nội dung bài viết là một trường hợp đang sinh sống ở tỉnh Đắk Nông.
"Không có trường hợp nào sinh con tại nhà có địa chỉ ở thôn Đồng Ké, xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, Hà Nội", ông Hùng khẳng định.
Sinh con tại nhà, thai phụ đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ sản phụ khoa Lê Thị Kim Dung, cho biết, sinh con tại nhà thuận theo tự nhiên là cách sinh quay lại thời tiền sử, đi ngược lại với sự tiến hóa. Xưa các cụ vẫn có câu "gái chửa cửa mả" để nói về những nguy hiểm mà người phụ nữ có thể gặp phải trong quá trình mang thai và sinh con.
"Quá trình mang thai của một người phụ nữ có thể diễn ra bình thường nhưng khi chuyển dạ có thể xảy ra các tai biến nghiêm trọng như băng huyết, vỡ tử cung, nhiễm trùng, mất tim thai, thậm chí tử vong mẹ lẫn con... Trong đó nguy cơ đờ tử cung gây băng huyết là biến chứng nguy hiểm nhất, gây tử vong hàng đầu ở bà mẹ", BS Dung phân tích.
Bên cạnh đó, theo bà, nếu ngôi thai nằm bất thường, em bé quá to sẽ không chào đời tự nhiên được. Trong trường hợp, ngôi thai ngược, sản phụ cũng không thể tự đẻ thường. Nhiều trường hợp ngôi thai thuận nhưng quá trình chuyển dạ dài cũng có thể dẫn đến suy thai.
Trong khi đó, sinh tại cơ sở y tế, thai phụ có y bác sĩ phụ giúp, mọi chỉ số sinh tồn của bà mẹ và em bé như tim thai, bánh nhau, nước ối… đều được theo dõi sát.
"Y học hiện đại tìm mọi cách giảm thiểu nguy cơ tai biến sản khoa, vì thế không thể chấp nhận được những trào lưu đi ngược lại sự an toàn đó", BS Dung nhấn mạnh.
Trong những năm qua ngành y tế đã nỗ lực rất nhiều để giảm tử vong bà mẹ và trẻ em. Theo đó, tỷ lệ tử vong bà mẹ tại nước ta giảm mạnh trong 3 thập kỷ gần đây, từ 140 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 1976 xuống 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019. Nếu xu hướng này tiếp tục giảm, Việt Nam chắc chắn sẽ đạt mục tiêu phát triển bền vững là dưới 45 ca vào năm 2030.
Tuy nhiên, so với mức trung bình của thế giới, nhất là so với các nước phát triển thì tỷ lệ này vẫn còn ở mức cao, đặc biệt tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tử vong mẹ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao gấp 3 lần vùng thành thị.
Tỷ lệ này ở dân tộc Mông cao gấp 7-8 lần ở dân tộc Kinh, Tày. Do ở xa cơ sở y tế nên nhiều người mẹ ở vùng khó khăn phải sinh con tại nhà, không được chăm sóc y tế kịp thời, đúng cách, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.