Hà Nội: Khối u to bằng quả bưởi vì "ngại Covid-19" không đi khám

Minh Nhật

(Dân trí) - Bệnh nhân cảm thấy có vấn đề bất thường đã được một thời gian dài, nhưng vì ngại Covid-19, cũng như "nhịn được" nên không đi khám mà thỉnh thoảng chỉ mua thuốc để uống.

Cụ ông P.N., 82 tuổi, sống tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị để thăm khám trong tình trạng vùng bụng sờ thấy khối u gây đau nhức và khó di chuyển.

Bệnh nhân chia sẻ rằng, bản thân cảm thấy có vấn đề bất thường đã được một thời gian dài. Tuy nhiên, vì ngại Covid-19, cũng như "nhịn được", bệnh nhân không đi khám mà thỉnh thoảng chỉ mua thuốc để uống.

Hà Nội: Khối u to bằng quả bưởi vì ngại Covid-19 không đi khám - 1

Khối u của bệnh nhân sau khi được cắt bỏ.

Tuy nhiên thời gian gần đây, bụng bệnh nhân căng lên, dùng tay có thể sờ nắn thấy khối u ở bên trong, kèm theo đó là cảm giác đau nhức, ông N. mới quyết định đến bệnh viện.

 "Từ khi khối u to hẳn ra đến khi tôi nhập viện chỉ có 10 ngày. Trong suốt thời gian này, khối u gây đau dữ dội, việc đi lại cũng rất khó khăn, chỉ nhích được từng bước", ông N. chia sẻ.

Tại Bệnh viện Hữu Nghị, ông N. được làm các xét nghiệm chẩn đoán và phát hiện có khối u ở sau phúc mạc. Khối u dính vào thận, cột sống, xương chậu. Bệnh nhân được tầm soát đánh giá và có chỉ định phẫu thuật.

BS Nguyễn Hồng Long - Khoa Ngoại tổng hợp chia sẻ: "Khối u của bệnh nhân xấp xỉ 20cm và nằm sau phúc mạc. Khối u chiếm ½ bụng bên phải của bệnh nhân. Khi tư vấn cần phẫu thuật, ban đầu bệnh nhân sợ và lo lắng, nhưng sau khi bàn bạc với gia đình, bệnh nhân cũng quyết tâm lên bàn mổ".

Theo BS Long, những khối u có kích thước lớn như vậy ở người cao tuổi khá hiếm gặp. Để cắt bỏ khối u cần có ê kíp phẫu thuật và gây mê hồi sức phối hợp với nhau cực kỳ tốt.

"Chúng tôi đã phẫu thuật cắt bỏ khối u này và bảo tồn tất cả các cơ quan lân cận. Hiện tại bệnh nhân đang trong tình trạng hồi phục hậu phẫu", BS Long cho hay.

Thông thường ở các bệnh nhân càng cao tuổi và có càng nhiều tổn thương thì thời gian hồi phục càng lâu. Với bệnh nhân N., hiện tình trạng đã ổn định, bệnh nhân dự kiến có thể ra viện trong tuần tới.

Từ trường hợp của bệnh nhân N., BS Long khuyến cáo người dân cần duy trì thói quen khám sức khỏe định kỳ. Đây là việc có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đảm bảo sức khỏe bản thân.

Cũng theo chuyên gia này, khi bệnh gây đau, bệnh nhân thường sẽ nhanh chóng đi khám. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp bệnh phát triển âm thầm, không gây đau, điển hình như trường hợp ông N., đến khi xuất hiện triệu chứng cảnh báo thường đã muộn.

"Khi bệnh nhân kiểm tra sức khỏe thường xuyên sẽ giúp phát hiện bệnh, các vấn đề bất thường sớm giúp tăng khả năng điều trị thành công. Với các bệnh nhân đến điều trị ở giai đoạn muộn, khi đã xuất hiện dấu hiệu bất thường như sút cân, đau, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, biến chứng hậu phẫu cũng nặng hơn rất nhiều", BS Long phân tích.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm