1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Dè dặt cho trẻ tiêm phòng Quinvaxem

(Dân trí) - Mặc dù việc tư vấn, khám phân loại trước tiêm được đặc biệt quan tâm trong ngày đầu tiên triển khai tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem, nhưng trước băn khoăn về phản ứng không mong muốn của vắc xin của gia đình, nhân viên y tế tư vấn tiêm dịch vụ cho trẻ.

Hà Nội: Dè dặt cho trẻ tiêm phòng Quinvaxem

Nếu các bà mẹ tỏ ra lưỡng lự thì các ông bố thường quyết rất nhanh việc có hay không tiêm vắc xin cho con
Vừa tiêm, vừa lo!

8h sáng 5/11 tại Trạm Y tế phường Ô Chợ Dừa, Hoàng Cầu, Đống Đa, lác đác người thân đưa các bé đến tiêm ngừa vắc xin Quinvaxem.

Chị Chu Thị Nga đưa con trai 3,5 tháng đến từ sớm và dù bé đủ điều kiện tiêm sau khi phân loại, chị vẫn thấy lo ngại. “Khi hỏi nhiều về những phản ứng không mong muốn, một mặt nhân viên y tế giải thích chu đáo nhưng mặt khác lại nói nếu gia đình quá lo lắng, có thể đưa con đi tiêm vắc xin dịch vụ sẽ ít phản ứng hơn”, chị Nga nói.

Tương tự, chị Nguyễn Trúc Anh đến phòng tiêm rồi mà vẫn lưỡng lự. “Thông tin về những phản ứng do vắc xin Quinvaxem rồi nhiều mẹ lại can ngăn, nói tiêm mũi này con sốt cao, quấy khóc, nhiều tai biến, nhân viên y tế lại tư vấn nếu quá lo thì đi tiêm vắc xin dịch vụ... khiến mình càng băn khoăn”, chị Anh nói.

Chị Nguyễn Thị Hiên cũng băn khoăn bởi con chị đã tiêm mũi 1 Quinvaxem từ tháng 4/2013, nay mới được tiêm lại, bác sĩ tư vấn cho biết nhiều khả năng con chị sẽ bị phản ứng mạnh hơn, sốt cao hơn nên rất băn khoăn, lo lắng.

Cũng đưa con giai là bé Bạch Ngọc Lâm (3 tháng tuổi) đi tiêm, sau khi được tư vấn về lợi ích cũng như nguy cơ, anh Bạch Ngọc Dương đã quyết định tiêm ngay vắc xin cho con.

“Vắc xin đã được tiêm trên diện rộng, quy mô lớn nên tôi không thấy quá lo lắng về chất lượng vắc xin, tôi cho là vắc xin này là an toàn. Hơn nữa, việc phản ứng với vắc xin là yếu tố cơ địa rất nhiều. Vì thế, dù được tư vấn nếu quá lo lắng có thể cho trẻ đi tiêm dịch vụ, nhưng tôi vẫn quyết tâm cho con tiêm”, anh Dương chia sẻ.

Tại trạm y tế phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), đến 10h sang cũng chỉ có 5 trẻ đến tiêm chủng và chỉ có 1 cháu tiêm Quinvaxem. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trạm trưởng trạm y tế phường Nghĩa Tân cho biết, theo điều tra, toàn phương cũng có khoảng 50 cháu cần tiêm vắc xin  Quinvaxem, tuy nhiên, đến thời điểm này, bà rất lo không biết các cháu có ra tiêm đủ không. Bà Thủy cho biết, ngay trường hợp cháu bé vừa tiêm trước đó, mẹ cháu cũng bế cháu ra trạm xá, tuy nhiên, vẫn cứ lẫn nữa không muốn tiêm cho con. Các bác sĩ, y tá phải vận động mãi, người mẹ mới đồng ý cho tiêm.
 
Quyết định tiêm cho con nhưng người mẹ trẻ này vẫn không tránh được lo lắng
Quyết định tiêm cho con nhưng người mẹ trẻ này vẫn không tránh được lo lắng

Khám sàng lọc chặt chẽ

Gia đình đưa con đi tiêm đều nhận định, ngoài những băn khoăn về vắc xin, chị thấy rất yên tâm bởi con được khám sức khỏe kỹ càng, cặp nhiệt độ, hỏi kỹ về tiền sử.

Tại Trạm y tế phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai, bác sĩ Lê Bích Thủy cho biết, trạm đã tiêm phòng vắc xin Quivaxem cho gần 60 trẻ trong số hơn 100 trẻ được khám sàng lọc.

“Việc khám sàng lọc rất sát sao để kịp thời phát hiện những trẻ có nguy cơ cao. Qua khám, đã phát hiện một số trẻ có thân nhiệt từ 37,1 độ C hoặc có các dấu hiệu viêm da, viêm mũi họng hoặc viêm phế quản nhưng cha mẹ không phát hiện và đều không có chỉ định tiêm vắc- xin Quinvaxem”, BS Thủy cho biết.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong đợt tiêm chủng lần này, trên địa bàn thành phố Hà Nội có hơn 65.000 trẻ tiêm vắc xin Quinvaxem, trong đó có khoảng 15.000 trẻ tiêm mũi đầu. Ngày hôm qua (4/11) đã có 7 xã triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem, với tổng số hơn 3.800 trẻ được tiêm. “Ngày hôm qua việc triển khai tiêm vắc xin Quinvaxem diễn ra an toàn, trong số 3.800 trẻ thì có 3 trẻ có phản ứng sốt nhẹ, tuy nhiên đến hôm nay cả 3 trẻ đều bình thường”, ông Hạnh cho biết.

Ông Hạnh cho biết thêm, qua kiểm tra các điểm tiêm chủng ở huyện Thanh Oai và Ứng Hòa sáng 5/11 cho thấy các điểm tiêm chủng cơ bản làm tốt các việc từ viết giấy mời, bố trí quy trình tiêm hợp lý từ tiếp đón, tư vấn, khám phân loại, tổ chức tiêm và theo dõi sau tiêm... theo đúng quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, việc giữ trẻ ở lại 30 phút sau tiêm để theo dõi và xử trí nếu có những phản ứng bất thường xảy ra được thực hiện nghiêm túc.

Để chuẩn bị cho việc tiêm trở lại vắc xin “5 trong 1” Quivaxem, Hà Nội đã chuyển khoảng 68.000 liều vắc xin đến trung tâm y tế 29 quận huyện để cấp cho gần 600 điểm tiêm chủng. “Với quy định mỗi buổi tiêm không quá 50 trẻ, trung bình các xã, phường thực hiện tiêm từ 2-5 ngày, đối với những xã, phường đông trẻ sẽ thực hiện tiêm từ 7-10 ngày”, ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội cho biết.

Cũng theo ông Cảm hiện các trạm y tế xã, phường đã thành lập một đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng xử lý nhanh khi trẻ bị phản ứng sau tiêm hoặc sốc phản vệ. Mỗi năm Hà Nội có khoảng 150.000 trẻ dưới 1 tuổi thuộc đối tượng cần tiêm vắc- xin Quinvaxem.

Các chuyên gia khuyến cáo, sau tiêm vắc xin Quinvaxem, trẻ thường có biểu hiện sốt, nóng đỏ chỗ tiêm. Vì vậy, khi thấy con sốt, các bà mẹ cần đắp khăn mát trên trán trẻ, có thể dùng thuốc hạn sốt nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, đồng thời phải luôn theo dõi sức khoẻ của trẻ. “Bên cạnh việc tăng cường giám sát an toàn tiêm chủng, chúng tôi cũng kêu gọi người dân hợp tác tốt khi cho con đi tiêm chủng bằng cách thông báo cụ thể với nhân viên y tế về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử dị ứng (nếu có). Theo dõi chặt trẻ sau tiêm để kịp thời phát hiện những phản ứng bất thường (sốt cao, co giật, tím tái… và đưa ngay đến cơ sở y tế nếu có những phản ứng bất thường đó”, ông Cảm khuyến cáo.

Bài và ảnh: Hồng Hải