Giáo sư, Anh hùng lao động Nguyễn Anh Trí:

"Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không, cần theo dõi 2-3 ngày nữa"

Minh Nhật

(Dân trí) - Theo chuyên gia, nếu số F0 mới tăng lên nhiều sau khi mở rộng quy mô xét nghiệm, Hà Nội nên xem xét việc kéo dài thời gian giãn cách xã hội.

Dịch ở Hà Nội có xu hướng giảm nhưng chưa thực sự bền vững

Một tuần trở lại đây, số ca dương tính SARS-CoV-2 ghi nhận mỗi ngày tại Hà Nội có xu hướng đi ngang ở mức trung bình 50 - 60 ca. Đáng chú ý, số ca bệnh ghi nhận tại cộng đồng giảm mạnh so với giai đoạn cao điểm trước đó.

Trao đổi với Dân trí, GS.TS Nguyễn Anh Trí - Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Bệnh viện Medlatec nhận định, tình hình dịch ở Hà Nội đã có chiều hướng giảm.

Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không, cần theo dõi 2-3 ngày nữa - 1

GS.TS, Anh hùng lao động, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí.

Theo chuyên gia này, có thể nhận thấy rằng, những ngày vừa qua, số F0 ghi nhận được thấp hơn so với giai đoạn trước đây một tuần. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là số F0 giảm trong khi một tuần trở lại đây, Hà Nội đã mở chiến dịch xét nghiệm diện rộng, với số lượng mẫu được xét nghiệm lớn hơn trước.

"Chúng ta xét nghiệm nhiều hơn nhưng số lượng F0 phát hiện mới lại giảm xuống. Như vậy, chứng tỏ rằng, dịch ở Hà Nội có xu hướng đi xuống. Tuy nhiên, chưa thực sự bền vững. Vì vậy, Hà Nội vẫn cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch", GS Trí nói.

Hà Nội có nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội?

Ngay sau khi triển khai thực hiện đợt xét nghiệm diện rộng đầu tiên, với việc lấy mẫu và xét nghiệm SARS-CoV-2 cho hơn 300.000 người, thành phố tiếp tục triển khai đợt 2, lấy khoảng một triệu mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR cho khu vực nguy cơ cao và 13 nhóm người nguy cơ cao.

Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không, cần theo dõi 2-3 ngày nữa - 2

Hà Nội đang triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch xét nghiệm diện rộng.

13 nhóm nguy cơ cao bao gồm: nhân viên giao hàng; người bán hàng tại các chợ truyền thống, chợ cóc; nhân viên bán hàng tại siêu thị, trung tâm thương mại; người bán hàng tạp hóa tại nhà; nhân viên bán xăng; lái xe khu công nghiệp, đường dài; bảo vệ tại chung cư, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, cơ quan, đoàn thể; công nhân xây dựng đang mắc kẹt tại Hà Nội; nhân viên bán thuốc tại các quầy thuốc; người làm tại các kho hàng bán lẻ; người trực chốt kiểm dịch; lực lượng hỗ trợ chống dịch; nhân viên công ty môi trường đô thị trực tiếp thu gom rác (lái xe, lao công).

Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không, cần theo dõi 2-3 ngày nữa - 3

Theo GS Trí, những người thuộc 13 nhóm đối tượng nguy cơ cao mà Hà Nội đưa ra như: người  làm dịch vụ, shipper, bảo vệ tại khu chung cư... cần được ưu tiên xét nghiệm.

Theo GS Trí, đây là một chiến lược đúng hướng và mang tính chủ động của Hà Nội. Việc xét nghiệm diện rộng có chỉ định sẽ giúp tìm kiếm, phát hiện sớm nhất các F0 đang lẩn khuất trong cộng đồng, chưa kịp lây lan mạnh. Chiến lược này hỗ trợ đắc lực cho việc khoanh vùng, dập dịch.

"Đặc biệt, điểm mới là Hà Nội đặt mục tiêu xét nghiệm khoảng một triệu người, ưu tiên những vùng có nguy cơ như vùng đỏ, vùng da cam. Thứ hai là có 13 nhóm đối tượng nguy cơ để tập trung xét nghiệm, trong đó có những người giao hàng, người làm dịch vụ, và các trường hợp phải phục vụ, tiếp xúc nhiều người. Từ lâu chúng tôi đã rất lo cho nhóm đối tượng này vì họ rất dễ nhiễm bệnh, khi thường xuyên tiếp xúc với nhiều người", GS Trí phân tích.

Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không, cần theo dõi 2-3 ngày nữa - 4

Theo GS Trí, chiến lược xét nghiệm của Hà Nội có thể được nhân rộng ra các tỉnh thành khác.

Ông cũng lấy dẫn chứng là trong những đợt dịch trước, không hiếm những ổ dịch bùng phát từ chính nhóm đối tượng này. Một ví dụ là lần bùng phát dịch ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), ca nhiễm chủ yếu là những người đi cung cấp nước cho các phòng bệnh.

 "Việc đưa những đối tượng này vào diện nguy cơ để xét nghiệm trước là quyết định đúng của Hà Nội. Bên cạnh đó, theo quan điểm của tôi, đây cũng là nhóm cần ưu tiên tiêm vắc xin", GS Trí nhấn mạnh, "Chiến lược này có thể nhân rộng ra các tỉnh thành khác để giúp việc xét nghiệm sàng lọc đạt hiệu quả cao hơn và tránh lãng phí".

Hà Nội có nên kéo dài giãn cách hay không, cần theo dõi 2-3 ngày nữa - 5

Nội dung trong Công điện số 18 của UBND TP Hà Nội, đợt giãn cách xã hội lần này sẽ kéo dài đến 6h ngày 23/8. Theo quan điểm của GS Trí, việc nhận định Hà Nội có nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội hay không, cần phải theo dõi diễn biến dịch thêm 2-3 ngày nữa.

"Với việc Hà Nội triển khai xét nghiệm ở quy mô lớn như thế này, mà tỷ lệ F0 giảm thấp, thì có thể cân nhắc việc tạm thời kết thúc giãn cách. Ngược lại, nếu tỷ lệ ca bệnh ghi nhận mới tăng lên nhiều, có lẽ Hà Nội vẫn nên kéo dài thời gian giãn cách xã hội", GS Trí nêu quan điểm.