Hà Nội: Chỉ khoảng 20% người mù tìm lại được ánh sáng mỗi năm
(Dân trí) - Chia sẻ tại chương trình mổ từ thiện cho hơn 200 bệnh nhân đục thuỷ tinh thể ngày 29-30/12, BS Vũ Thị Thanh, Giám đốc bệnh viện Mắt Hà Nội, cho biết năm 2015, bệnh viện đã thực hiện được gần 7.000 ca phẫu thuật đục thuỷ tinh thể, trong đó hơn 10% là mổ từ thiện.
Tuy nhiên, 7.000 ca phẫu thuật là con số quá nhỏ so với gần 200.000 người mắc đục thuỷ tinh thể trên 50 tuổi đang sống tại Hà Nội.
Điều đáng nói là trong khi số bệnh nhân mắc mới không ngừng tăng thì khả năng “xử lý” các ca đục thuỷ tinh thể tại bệnh viện Mắt Hà Nội, bệnh viện Mắt Trung ương… hiện cũng chỉ dừng ở khoảng 15-20% tổng số người đã mắc trước đó.
Lý giải về tỉ lệ khá thấp này, BS Vũ Thị Thanh cho biết: “Một trong những nguyên nhân khiến người mắc bệnh đục thuỷ tinh thể không đi khám để được phát hiện và phẫu thuật kịp thời là vì họ nghĩ tình trạng nhìn mờ, mù loà là bệnh của tuổi già. Một lý do khác cũng góp phần lớn vào tỉ lệ mù loà do có rất nhiều bệnh nhân mắc đục thuỷ tinh thể sống tại Hà Nội quá nghèo”.
Và đây cũng là lý do bệnh viện Mắt thường xuyên tổ chức các đợt khám sàng lọc và mổ từ thiện (hỗ trợ người bệnh từ trang thiết bị, bác sĩ phẫu thuật, đến chi phí làm các xét nghiệm, giường nằm, thuốc men…) cho các bệnh nhân nghèo tại Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Bệnh nhân nghèo được các bác sĩ giỏi của viện Mắt khám và đánh giá rất kỹ tình trạng đục thuỷ tinh thể trước khi quyết định mổ hay không
Chia sẻ tại đợt mổ từ thiện lần này, bệnh nhân Trịnh Thị Thêm (71 tuổi, ở Tam Dương, Vĩnh Phúc) cho biết: mắt bà mờ mịt đã 2-3 năm nay nhưng vì nhà neo người, không có điều kiện đi mổ mắt (1 con là liệt sĩ, 1 con là thương binh) nên phải đợi đến đợt khám sàng lọc của bệnh viện Mắt Hà Nội hồi tháng 10, bà mới có cơ hội được nhìn thấy ánh sáng.
Tương tự là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Tính (71 tuổi, ở Chương Mỹ, Hà Nội). Bà Tính cũng rơi vào cảnh mắt mờ, chỉ nhìn thấy bóng bàn tay ở khoảng cách 20cm đã 3 năm nay. Bà rất muốn đi khám xem vì sao mắt mình lại vậy nhưng do hoàn cảnh quá nghèo nên cứ lần lữa. Được sự giới thiệu của Hội bảo trợ người nghèo của thành phố, bà đi khám sàng lọc theo chương trình từ thiện và được đưa lên bệnh viện Mắt Hà Nội mổ dịp này.
Còn bà Nguyễn Thị Chanh (70 tuổi, ở Thanh Oai, Hà Nội) đã từng mổ đục thuỷ tinh thể mắt trái trong một chương trình từ thiện tại bệnh viện Mắt Hà Nội cách đây 4 năm nên rất phấn khởi khi được mổ sớm mắt phải cũng bị đục thuỷ tinh thể trong đợt này. Bà Chanh cho biết, mắt trái của bà bị mờ đến hơn 2 năm mới được mổ. Và chỉ sau mổ 1 ngày, bà đã hé băng mắt và sung sướng khi thấy mọi thứ sáng trưng, rõ nét. Vậy nên, khi có đoàn khám sàng lọc của bệnh viện Mắt Hà Nội về địa phương là bà đăng ký khám ngay. Tuy nhiên, bà cũng hơi lo lắng bởi ngoài đục thuỷ tinh thể, mắt bà còn bị quặm nữa. Bà Chanh hy vọng sẽ được bác sĩ xử lý luôn 2 bệnh này trong đợt này.
Không chỉ được chữa bệnh ở mắt, các bệnh nhân trong đợt mổ từ thiện này còn được tặng những suất cháo miễn phí sau khi lấy máu và suất cơm trưa nếu phải ở lại viện và được đưa đón trong các đợt tái khám.
BS Vũ Thị Thanh cho biết, những bệnh nhân này đã rất may mắn bởi chưa bị biến chứng đục thuỷ tinh thể quá chín. Bởi nếu đã rơi vào tình trạng này khả năng phục hồi thị lực là cực khó, nhất là các trường hợp mà các dây thần kinh thị giác đã bị phá hủy hoàn toàn. Khi đó, người bệnh sẽ bị mù vĩnh viễn.
Và để tránh những biến chứng khó lường này, BS Thanh khuyên người trên 50 tuổi, có tiền sử đái tháo đường, cao huyết áp, cận thị… khi có biểu hiện mắt khó chịu khi ra sáng, nhìn 1 vật thành 2-3 cần đi khám ngay. Ở giai đoạn này, khi sự sụt giảm thị lực chưa ảnh hưởng đến công việc, cuộc sống thì người bệnh có thể đeo kính râm khi ra ngoài trời nắng, hoặc thay đổi độ kính. Còn khi mắt mờ nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống thì cần phải phẫu thuật thay thủy tinh thể.
Nhân Hà