Hà Nội: Cảnh báo về sự gia tăng dị tật thai nhi

Hiện nay, số thai nhi bị dị tật đang có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thường xuyên có 100 thai phụ bị tổn thương thai nhi đang điều trị.

Một nguyên nhân quan trọng là do các thai phụ tiếp xúc với vi rút, vi khuẩn, môi trường độc hại và số thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi) đang tăng lên.

 

Để có thể siêu âm 4 chiều, tôi đã gọi điện đến Phòng khám đa khoa số 5 Phan Chu Trinh đăng ký xếp chỗ trước từ 7h30 sáng. 9h, tôi ra nhận chỗ và nộp tiền nhưng số thứ tự của tôi đứng thứ 40. Các hàng ghế đã chật kín người ngồi.

 

Nhiều bà mẹ trẻ bụng to vượt mặt vẫn phải đứng chờ tới lượt. Trong phòng siêu âm, có 3 phụ nữ trẻ đang ngồi chờ. “Trần Mai Ph., 28 tuổi”, tiếng bác sỹ siêu âm vang lên. Người phụ nữ mang thai 4 tháng trèo lên chiếc giường kê cạnh máy vi tính. Khi bác sỹ rê chiếc đầu máy siêu âm trên bụng bà mẹ trẻ, màn hình vô tuyến treo ở góc tường hiện ra hình hài đứa bé đang nằm gọn trong bụng.

 

Khác với siêu âm thường (siêu âm hai chiều), siêu âm 3, 4 chiều là giúp các bác sỹ theo dõi sự phát triển của thai, phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh mà nếu chỉ dựa vào siêu âm thường sẽ không thể cho kết quả chính xác.

 

Trở lại trường hợp chị Trần Mai Ph., thai nhi trong bụng chị vẫn phát triển bình thường về kích thước, trọng lượng, nhưng trên phần hộp sọ, não của thai nhi không có đường phân chia, nói cách khác, thai nhi đã bị dị tật não, một dạng dị tật để lại di chứng nặng nề. Nếu đứa trẻ được sinh ra, nó sẽ bị đần độn. Trước khi thông báo cho chị Ph., người bác sỹ siêu âm đã gọi thêm một bác sỹ chuyên khoa sản xuống hội chẩn. Nguyên nhân dẫn đến dị tật thai nhi là do người mẹ đã bị sốt vi rút liên tục trong 1 tuần.

 

Tờ giấy ghi kết quả siêu âm được đánh thêm một dòng chữ “Chuyển sang Viện C hội chẩn”. Chị bác sỹ siêu âm chép miệng nói với mọi người trong phòng: “Sao hôm nay nhiều trường hợp dị tật thế nhỉ, từ sáng đến giờ có 6 trường hợp rồi”. 6/40 trường hợp, một con số đáng lo ngại.

 

Mang theo những băn khoăn sang Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, tôi được một bác sỹ trong phòng siêu âm cho biết: Ngày càng xuất hiện nhiều các dạng dị tật thai nhi, nhất là các dạng dị tật ở thần kinh, não. Anh cho tôi xem các bức ảnh chụp từ máy siêu âm 3 chiều, có thai nhi bị dị tật mũi vòi voi, có thai nhi thiếu ngón tay, hở hàm ếch…Vì những dị tật này, số ca nạo, phá thai cũng đang có chiều hướng tăng lên.

 

Hiện nay, số thai nhi bị dị tật đang có chiều hướng gia tăng. Tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương thường xuyên có 100 thai phụ bị tổn thương thai nhi đang điều trị. Một nguyên nhân quan trọng là do các thai phụ tiếp xúc với vi rút, vi khuẩn, môi trường độc hại và số thai phụ lớn tuổi (trên 35 tuổi) đang tăng lên. Đặc biệt, đối tượng phụ nữ sinh con sau tuổi 35 có nguy cơ thai bị bệnh down (thiểu năng trí tuệ) và các dị tật cao gấp 2-6 lần bình thường, việc sinh nở gặp nhiều khó khăn do khung chậu của người mẹ không còn khả năng giãn nở. Việc sử dụng thuốc không có hướng dẫn cụ thể của bác sĩ, uống rượu bia, hút thuốc lá, mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục trước và trong quá trình thụ thai, ở cả bố lẫn mẹ đều có thể ảnh hưởng tới thai nhi...

 

Theo TS. Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương: Cách tốt nhất để khắc phục tình trạng này là ngay từ khi có ý định mang thai, cả vợ và chồng nên đi khám và tư vấn bác sĩ để có kế hoạch sinh hoạt, ăn uống, làm việc… thích hợp. Đặc biệt, các đối tượng có nguy cơ cao như phụ nữ trên 35 tuổi, vợ chồng đã từng sinh con dị tật, phụ nữ từng sẩy thai không rõ nguyên nhân... cần được tư vấn kỹ càng.

 

Khi thụ thai, tránh tiếp xúc với hóa chất, sinh hoạt trong môi trường ô nhiễm, người bị bệnh truyền nhiễm… và nhất thiết phải theo dõi định kỳ sự phát triển của thai nhi để bác sĩ xử lý kịp thời những bất thường. Đối với những dị tật có thể khắc phục được, việc đình chỉ hay tiếp tục giữ thai phải có ý kiến thống nhất của hội đồng bao gồm các bác sĩ sản phụ khoa, di truyền, nhi khoa, ngoại khoa chuyên ngành nhi và đại diện gia đình thai phụ.

 

Theo Công An Nhân Dân