Hà Nội: Cả tuần bị "giam lỏng", tự cách ly như thời Covid-19 vì… đau mắt đỏ
(Dân trí) - Cuộc sống của nhiều gia đình ở Hà Nội bị đảo lộn khi từng thành viên trong gia đình bị bệnh đau mắt đỏ tấn công.
Khổ vì cả nhà đau mắt đỏ
Cảm thấy như bị "giam lỏng" là cách chị Quỳnh (tên nhân vật đã được thay đổi), 30 tuổi, sống tại một chung cư quận Hà Đông (Hà Nội) mô tả về tình cảnh của gia đình mình suốt một tuần qua. Vợ chồng chị Quỳnh và 2 người con đều bị đau mắt đỏ.
Đầu tuần trước, con gái lớn (6 tuổi) bắt đầu xuất hiện tình trạng đỏ một bên mắt, ngứa. Chị Quỳnh vội đưa con đi khám và được bác sĩ chẩn đoán viêm kết mạc mắt do virus.
"Biết là đau mắt đỏ dễ lây nhưng con còn nhỏ nên chúng tôi cũng không thể nào tránh được việc liên tục tiếp xúc", chị Ngọc chia sẻ.
Đến cuối tuần, cả chồng và con trai út của chị Ngọc bị đau mắt đỏ cùng lúc và chỉ 2 ngày sau, chị Ngọc trở thành thành viên cuối cùng trong gia đình mắc bệnh.
Từ khi 2 con bị đau mắt đỏ không thể đi học, chị Ngọc và chồng đã phải thu xếp công việc và xin công ty cho ở nhà làm việc từ xa. Để không lây lan cho mọi người xung quanh, hai vợ chồng chị chỉ ra ngoài khi có việc thật cấp thiết.
"3-4 ngày tôi mới xuống chợ một lần và mua gom đồ ăn cho nhiều ngày để hạn chế ra ngoài. Khi có việc quan trọng phải gặp gỡ người ngoài, vợ chồng tôi đều mang kính dù không bị cận. Xong việc là về nhà ngay", chị Ngọc chia sẻ.
Sống ở chung cư nên việc phải tự cách ly tại nhà lại càng bức bí. Suốt gần 2 tuần, cả gia đình hầu như chỉ quanh quẩn trong 4 bức tường.
Tự cách ly như thời Covid-19
Bất ngờ thấy mắt hơi rát và chảy nước mắt, Nga (tên nhân vật đã được thay đổi), 26 tuổi, sống tại Hoàng Mai (Hà Nội) vẫn nghĩ rằng mình bị khô mắt do dùng máy tính.
"Đặc thù công việc của tôi là dùng máy tính nhiều nên hay bị khô mắt. Hôm đó thấy xuất hiện triệu chứng tôi vẫn nghĩ rằng mình gặp tình trạng như mọi hôm. Sau khi nhỏ nước mắt nhân tạo, tôi nghĩ rằng sẽ ổn", Nga chia sẻ.
Sáng hôm sau khi vừa tỉnh giấc, chị Nga thấy mắt trái của mình không mở được vì đóng một lớp gỉ dày. Cô gái nghĩ ngay đến đau mắt đỏ.
Sống cùng gia đình chị gái có trẻ nhỏ, Nga ngay lập tức tự cách ly mình trong phòng ngủ.
"Tôi tự cách ly giống như hồi còn dịch Covid-19", Nga mô tả. Mỗi khi cần đồ ăn và các vật dụng cần thiết, cô sẽ nhắn tin nhờ chị gái đặt trước cửa, hạn chế tối đa tiếp xúc trực tiếp.
Việc bị đau mắt đỏ khiến công việc và sinh hoạt của Nga bị đảo lộn. Mắt trái luôn trong tình trạng ngứa, cộm, chảy dịch.
"Công việc của tôi yêu cầu phải dùng máy tính rất nhiều. Tuy nhiên, tình trạng đau mắt khiến tôi phải chia thời gian làm việc ra thành từng khoảng ngắn 15 phút cách quãng", Nga mô tả.
Để trị bệnh, Nga tự tìm các hội nhóm chia sẻ cách chữa đau mắt đỏ. Cô lựa chọn loại thuốc nhỏ mắt được nhiều người bình luận khen về hiệu quả. Nga giải thích rằng, từ trước đến nay bị bệnh đều không có thói quen đi khám.
Người thân, các hội nhóm hoặc người bán thuốc cũng sẽ thay bác sĩ "kê đơn" cho tình trạng bệnh của cô.
"Tôi thấy như thế rất tiện và bệnh vẫn hết", Nga nói.
Đến nay, sau một tuần nhỏ loại thuốc được cộng đồng mạng chia sẻ, tình trạng đau mắt đỏ không những không hết mà còn lan sang mắt còn lại. Cô gái trẻ cho biết bản thân bắt đầu cảm thấy lo sợ.
Ca bệnh đau mắt đỏ ở Hà Nội tăng mạnh
Thời gian gần đây, bệnh nhân đau mắt đỏ tại Hà Nội gia tăng mạnh. Chỉ trong 3 tuần đầu tháng 8, Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận hơn 2.500 bệnh nhân bị đau mắt đỏ đến khám. Con số này cao gấp đôi so với tháng 6.
Theo thông tin từ Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương, trong vòng một tháng qua đã tiếp nhận 50 ca viêm kết mạc cấp.
Đáng chú ý có 10-20% bệnh nhân gặp biến chứng như có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc.
ThS.BS Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, thời tiết giao mùa hè thu hiện nay, số ca bị đau mắt đỏ gia tăng, dễ lây lan thành dịch.
Nhỏ thuốc cho mắt nhanh... trắng càng nguy hiểm
BS Hoàng Cương, Bệnh viện mắt Trung ương cho biết, đau mắt đỏ (viêm kết mạc cấp) chủ yếu do virus nhóm adeno gây nên. Đáng nói, không có thuốc đặc trị cho virus này, chỉ có điều trị bổ trợ và thực hiện các biện pháp vệ sinh để ngăn lây lan.
Đến nay, người ta không thấy vai trò thực sự của kháng sinh trong điều trị bệnh.
Đáng nói, nhiều người vì khó chịu với màu đỏ vằn vện trong mắt, liền nhỏ thuốc chống viêm corticoid để giúp mắt nhanh hết đỏ.
BS Cương cho biết, các thuốc chống viêm corticoid, thành phần thường có một kháng sinh là: polymyxin, neomycin hoặc chloramphenicol (có tác dụng chống nhiễm khuẩn), và một thành phần là corticoid như dexamethasone (có tác dụng chống viêm rất tốt).
Khi mắt bị đỏ, sưng, phù nề, nhỏ mắt loại thuốc này sẽ nhanh chóng làm giảm đỏ mắt, người bệnh thấy dễ chịu nên rất thích dùng và còn truyền miệng cho nhau.
Thế nhưng, corticoid là con dao hai lưỡi, vì có tính kháng viêm mạnh nên hiệu quả điều trị nhanh, nhưng nếu người bệnh dùng không đúng, lạm dụng thuốc hoặc dùng thuốc kéo dài sẽ gây ra tai biến do thuốc như dị ứng, làm trầm trọng thêm bệnh.
Đau mắt đỏ vốn là bệnh lành tính, thường tự khỏi sau 5-7 ngày, ít biến chứng và di chứng. "Tuy nhiên biến chứng và di chứng vẫn là chuyện có thật, xảy ra hàng ngày, trong đó các ca sẹo giác mạc, viêm giác mạc đốm, khô mắt... vì tùy tiện nhỏ corticoid", BS Cương cảnh báo.