1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Hà Nội: Ca sốt xuất huyết mới cao nhất từ đầu năm, 289 ổ dịch hoạt động

Minh Nhật

(Dân trí) - Trong 9 tháng đầu năm 2023, Hà Nội đã phát hiện 1.029 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện thành phố có 289 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Bệnh nhân sốt xuất huyết mới cao nhất từ đầu năm

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, trong tuần qua, Thủ đô đã ghi nhận 2.578 ca sốt xuất huyết mới tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Đây cũng là tuần có số ca mắc cao nhất kể từ đầu năm 2023 đến nay.

Thanh Oai là địa phương ghi nhận nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết nhất trong tuần vừa qua với 190 ca. Ngoài ra, các quận, huyện có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết gồm: Phú Xuyên (187 ca), Phúc Thọ (174 ca), Hoàng Mai (173 ca), Đan Phượng (151 ca), Cầu Giấy (138 ca), Đống Đa (137 ca).

Hà Nội: Ca sốt xuất huyết mới cao nhất từ đầu năm, 289 ổ dịch hoạt động - 1

Bệnh nhân sốt xuất huyết đang được điều trị (Ảnh: Khánh Đỗ).

Trong tuần, Hà Nội cũng đã phát hiện thêm 78 ổ dịch sốt xuất huyết tại 21 quận, huyện, thị xã. Riêng tại Bắc Từ Liêm có 9 ổ dịch; Quốc Oai, Đống Đa (mỗi nơi có 8 ổ dịch); Phúc Thọ (7 ổ dịch); Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, Đan Phượng (mỗi nơi có 5 ổ dịch)…

Tính từ đầu năm đến nay, Hà Nội phát hiện tổng cộng 15.354 ca sốt xuất huyết (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 557/579 xã, phường, thị trấn.

Hà Nội: Ca sốt xuất huyết mới cao nhất từ đầu năm, 289 ổ dịch hoạt động - 2

Phân bố số trường hợp mắc/nghi mắc sốt xuất huyết Dengue theo tuần (Ảnh: Chụp màn hình).

Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân từ đầu năm đến nay là: Hoàng Mai (1.141 ca), Phú Xuyên (951 ca), Thanh Trì (928 ca), Thạch Thất (924 ca), Hà Đông (904 ca), Đống Đa (852 ca), Cầu Giấy (846 ca), Nam Từ Liêm (754 ca), Đan Phượng (744 ca), Thanh Oai (723 ca).

Trong 9 tháng đầu năm 2023, Hà Nội cũng đã phát hiện 1.029 ổ dịch sốt xuất huyết. Hiện thành phố có 289 ổ đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Trong đó một số ổ dịch diễn biến phức tạp kéo dài và ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá (huyện Thạch Thất) có 485 ca bệnh; xã Hữu Bằng (huyện Thạch Thất) có 340 ca; thôn Đống, xã Cao Viên (huyện Thanh Oai) có 70 ca.

Hà Nội: Ca sốt xuất huyết mới cao nhất từ đầu năm, 289 ổ dịch hoạt động - 3

Tỷ lệ mắc sốt xuất huyết/100.000 dân theo quận, huyện, thị xã tại Hà Nội năm 2023 (Ảnh: Chụp màn hình).

Đáng chú ý, theo CDC Hà Nội, kết quả kiểm tra giám sát tại một số nơi vẫn tiếp tục ghi nhận chỉ số côn trùng sau xử lý cao vượt ngưỡng nguy cơ từ 3-4 lần.

Theo quy định, vùng nguy cơ cao có dịch sốt xuất huyết là vùng có chỉ số bọ gậy (BI) từ 20 trở lên. Trong khi đó, giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết trong tuần này cho thấy, tại thôn 8, xã Liên Hiệp, huyện Phúc Thọ (BI=80); phường Định Công, quận Hoàng Mai (BI=60); xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên (BI=50)…

CDC Hà Nội dự báo, đỉnh dịch sốt xuất huyết tại Hà Nội sẽ rơi vào tháng 10, 11. Với diễn biến thời tiết như hiện nay, nhiệt độ hàng ngày dao động trong khoảng 26-32⁰C, là điều kiện tự nhiên rất thuận lợi cho việc phát sinh bọ gậy và muỗi.

Kết hợp với việc đã có nhiều ổ dịch, nhiều ca mắc trên địa bàn thành phố, mật độ quần thể muỗi truyền bệnh tiếp tục duy trì ở mức cao, nhiều điểm vượt ngưỡng dẫn đến nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh… Do đó, tình hình dịch tiếp tục diễn biến phức tạp trong các tuần tới.

Bệnh nhân nguy kịch vì đông đặc máu

Từ tháng 9, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết mà Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tăng lên đáng kể. Hiện tại, cơ sở y tế này đang điều trị cho hơn 200 bệnh nhân sốt xuất huyết tại nhiều khoa. Các bệnh nhân được chuyển đến từ nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó phần lớn là Hà Nội.

Hà Nội: Ca sốt xuất huyết mới cao nhất từ đầu năm, 289 ổ dịch hoạt động - 4

Một bệnh nhân nguy kịch vì sốt xuất huyết (Ảnh: Khánh Đỗ).

Có khoảng 5% bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại viện có tình trạng nặng. Theo BS Phạm Văn Phúc, đặc thù các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng năm nay có diễn biến phức tạp vì có nhiều bệnh cảnh khác nhau, bao gồm: Xuất huyết do thoát dịch, sốc do giảm tiểu cầu và chảy máu...

4 bệnh nhân nặng nhất đang điều trị tại Khoa Hồi sức tích cực đều có tình trạng sốc do đông đặc máu.

Theo BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân sốt xuất huyết thông thường 1-3 ngày đầu sẽ sốt rất cao, mệt mỏi. Tuy nhiên, đây lại chưa phải thời điểm nguy cơ nhất. Ngày thứ 3 - thứ 7 của bệnh, khi cơn sốt đã hạ, bệnh nhân ngỡ đã gần khỏi lại là giai đoạn nguy cơ xảy ra các biến chứng.

"Đối với người bệnh ở trong vùng dịch tễ sốt xuất huyết, đặc biệt là ở Hà Nội, khi có tình trạng sốt, đau mỏi người nên đến cơ sở y tế gần nhất tầm soát tìm nguyên nhân.

Nên tuân thủ theo hướng dẫn điều trị, tái khám của bác sĩ để có lộ trình chăm sóc sức khỏe tốt nhất", BS Phúc khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm