Hà Nội: Cả nhà "ngứa ngáy" sau chuyến công tác của bố

Minh Nhật

(Dân trí) - Cả gia đình 3 người đều bị ghẻ sau chuyến đi công tác của người bố. Do điều trị không đúng, tắm, đắp lá cây khiến bệnh nhân tổn thương da loét, nhiễm trùng.

ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, Thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, mới đây bác sĩ khám cho cả gia đình 3 thành viên đều bị ghẻ, một số thành viên do điều trị không đúng, tắm, đắp lá cây khiến tổn thương da loét, nhiễm trùng.

Hà Nội: Cả nhà ngứa ngáy sau chuyến công tác của bố - 1

Tổn thương trên tay bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Qua khai thác tiền sử, gia đình cho biết, 3 tuần trước khi đi khám, người bố có đi công tác xa về. Sau khoảng 3 ngày thì các thành viên khác trong gia đình xuất hiện tổn thương mụn nước, sẩn ngứa: ngứa nhiều ở kẽ tay chân, vùng bụng, nách, sinh dục, ngứa nhiều vào ban đêm.

Tuy nhiên, bố mẹ nghĩ chỉ là ngứa do thay đổi thời tiết, tự ra hiệu thuốc mua thuốc bôi và cho cả nhà tắm nước lá trầu, lá xoan… nhưng tình trạng ngứa không giảm, mọc nhiều mụn nước, mẩn ngứa mới, em bé đêm khóc không ngủ.

BS Tiến Thành chia sẻ: "Bệnh ghẻ là bệnh do ký sinh trùng ghẻ Sarcoptes Scabiei hominis gây ra. Bệnh thường được truyền từ người bệnh thông qua tiếp xúc trực tiếp, hoặc gián tiếp qua sử dụng chung đồ dùng cá nhân và quần áo nhiễm ký sinh trùng.

Các ổ dịch có thể xuất hiện tại các nơi đông đúc: khu dân cư và các nơi ở có diện tích hạn chế như trường học và nhà trẻ".

Theo chuyên gia này, có thể người bố đã bị lây ghẻ trong chuyến đi công tác và sau đó truyền cho gia đình.

Nhiều bố mẹ có suy nghĩ bệnh ghẻ là do ở bẩn và bệnh này xuất hiện từ ngày xưa, thời này sẽ khó mắc phải nhưng thực tế ghẻ là bệnh da phổ biến ở thời điểm nào ai cũng dễ mắc phải.

Tổn thương đặc hiệu của bệnh ghẻ là đường hang và mụn nước. "Hang" do cái ghẻ đào ở lớp sừng, đây là đường cong ngoằn ngòeo dài 2-3cm, gờ cao hơn mặt da, màu trắng đục hay trắng xám, không khớp với da.

Ở đầu "hang" có mụn nước 1-2mm (đường kính), đây chính là nơi cư trú của cái ghẻ. "Hang" thường tìm thấy ở kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, nếp gấp cổ tay và quy đầu. Ở mụn nước nhỏ, lấy kim chích dịch ra để lộ màu xám hoặc đen, dùng kim khều sẽ bắt được cái ghẻ bám trên đầu kim.

Mụn nước sắp xếp rải rác, riêng rẽ ở vùng da mỏng như kẽ ngón tay, đường chỉ lòng bàn tay, mặt trước cổ tay, cẳng tay, nếp vú, quanh thắt lưng, rốn, kẽ mông, mặt trong đùi và bộ phận sinh dục.

"Người mắc bệnh ghẻ thường có dấu hiệu ngứa nhiều vào ban đêm vì lúc đi ngủ, cái ghẻ di chuyển gây kích thích đầu dây thần kinh cảm giác ở da và một phần do độc tố ghẻ cái tiết ra khi đào hang", BS Tiến Thành phân tích.

Với người bệnh ghẻ, các bác sĩ chuyên khoa da liễu sẽ  thăm khám lâm sàng  nhận định tổn thương, các vị trí đặc trưng của bệnh, đặc thù cơn ngứa và dịch tễ trong gia đình có người bị bệnh tương tự, cho phép chẩn đoán bệnh ghẻ hoặc có thể soi dưới kính hiển vi, để phát hiện ký sinh trùng ghẻ. 

Để điều trị hiệu quả, bác sĩ Tiến Thành khuyến cáo gia đình cần lưu ý bôi thuốc trị ghẻ đúng cách vào buổi tối, chú ý bôi kỹ những vùng nếp gấp, sinh dục, quanh móng, sau tai.

Trẻ em sơ sinh có những thuốc bôi và tắm riêng theo chỉ định của bác sĩ, cách ly người bệnh với người không bị ghẻ, vệ sinh chăn chiếu, đồ dùng… Không được tắm các loại lá cây vì có thể gây dị ứng hoặc gây độc đặc biệt là trẻ em.

"Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh ghẻ là tránh tiếp xúc trực tiếp với da của người bị bệnh ghẻ (bế, ôm, nằm cùng giường…). Vì thế, mọi người không nên sử dụng quần áo hoặc khăn trải giường chung với người bị nhiễm ghẻ.

Gia đình cần vệ sinh, thay đồ dùng cá nhân như quần áo, khăn tắm, chiếu, khăn trải giường hàng ngày cho trẻ, sau đó phơi, sấy khô, là ủi hai mặt nếu có thể rồi bịt kín trong túi, sử dụng lại sau khoảng 5- 7 ngày", BS Tiến Thành khuyến cáo.