Hà Nội: Bất ngờ cứng hàm phải nhập viện sau khi bị vật nặng rơi vào chân

Minh Nhật

(Dân trí) - 11 ngày sau khi sự việc xảy ra, người này bất ngờ xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó nuốt. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.

Sau khi bị vật cứng rơi vào chân, có vết thương chảy máu ở mu bàn chân phải, người đàn ông 58 tuổi, sống tại Phú Xuyên (Hà Nội), chủ quan không đi tiêm phòng uốn ván.

Đáng chú ý, 11 ngày sau khi sự việc xảy ra, người này bất ngờ xuất hiện triệu chứng cứng hàm, khó nuốt. Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để điều trị.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 21 ca mắc uốn ván, trong đó có 2 ca tử vong. Trong khi đó, cùng kỳ năm 2022, Hà Nội chỉ ghi nhận 8 ca bệnh.

Hà Nội: Bất ngờ cứng hàm phải nhập viện sau khi bị vật nặng rơi vào chân - 1

Nha bào uốn ván ngoài môi trường thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát (Ảnh minh họa: Getty).

Uốn ván (hay còn gọi phong đòn gánh) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do vi khuẩn uốn ván gây ra.

Nha bào uốn ván ngoài môi trường thường xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương sâu bị nhiễm bẩn, vết rách, vết bỏng, vết thương dập nát, vết thương nhẹ, có một số trường hợp do tiêm chích không an toàn.

Uốn ván có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi từ trẻ sơ sinh đến người cao tuổi nếu chưa được tiêm phòng đầy đủ, không biết cách chăm sóc, xử trí đúng khi có vết thương.

Bệnh có thể diễn tiến nặng gây co giật toàn thân, nuốt sặc và khó thở phải điều trị tích cực bằng thở máy, lọc máu, an thần, giãn cơ… Những biến chứng "rối loạn thần kinh thực vật", huyết áp (lúc tăng cao, lúc hạ thấp), nhiệt độ cơ thể (có thể tăng cao liên tục 40-41 độ C) nguy cơ khiến bệnh nhân tử vong.

Uốn ván tuy rất nguy hiểm, gây thách thức trong điều trị, nhưng bệnh có thể phòng ngừa được bằng việc tiêm vaccine đầy đủ. Mỗi người cần tiêm ngừa chủ động 3 mũi vaccine uốn ván trước khi bị vết thương.

Sau tiêm ngừa phải chủ động tiêm nhắc lại mỗi 5-10 năm một lần để tạo đủ kháng thể bảo vệ khỏi bệnh uốn ván.

Đối với trường hợp không được tiêm phòng vaccine đầy đủ, khi có vết thương cần đến các cơ sở y tế gần nhất để được xử trí vết thương đúng cách, đồng thời được tiêm huyết thanh giải độc tố uốn ván để phòng bệnh.

Tuyệt đối không tự xử lý vết thương tại nhà theo các phương pháp đắp các loại lá cây, cỏ không đảm bảo vệ sinh. Chăm sóc vết thương không đúng cách có thể là nguyên nhân tạo điều kiện xâm nhập của các vi trùng uốn ván.