Hà Nội: 100% xét nghiệm nhanh âm tính SARS-CoV-2, vì sao vẫn chưa an toàn?

Tú Anh

(Dân trí) - Dù đưa ra thông báo 100% mẫu xét nghiệm (trong đó có cả 12 ca test nhanh dương tính) là âm tính SARS-CoV-2, nhưng Hà Nội vẫn nhìn nhận "chưa an toàn", "chưa hết nguy cơ Covid-19".

Hơn 70 nghìn mẫu test nhanh âm tính

Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến nay TP đã ghi nhận 88.289 người về từ Đà Nẵng.

Trong đó, đã có 70.689 trường hợp được xét nghiệm nhanh, ghi nhận 12 trường hợp có kết quả dương tính. Hiện cả 12 trường hợp này đã được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật PCR, kết quả toàn bộ đều âm tính.

Hà Nội: 100% xét nghiệm nhanh âm tính SARS-CoV-2, vì sao vẫn chưa an toàn? - 1

Kết quả xét nghiệm 130 trường hợp F1 của hai ca mắc cộng đồng là  BN 447 và BN 459  cũng cho âm tính với SARS-CoV-2 và đang được cách ly tập trung.

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng khuyến cáo, do số người từ Đà Nẵng đã lớn hơn rất nhiều, vì vậy vẫn có những trường hợp đã khai báo y tế nhưng nhưng chưa được xét nghiệm cần tự theo dõi sức khỏe.

Trong trường hợp có bất kỳ có biểu hiện bất thường nào liên quan đến hô hấp như sốt, ho, khó thở thì cần đến ngay các cơ sở y tế để kiểm tra, nhất là với các trường hợp đi qua các vùng dịch.

Hà Nội vẫn "thấp thỏm"

Dù đến nay, ngoài 2 ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, 100% mẫu xét nghiệm những người trở về từ Đà Nẵng đều đã âm tính, nhưng Hà Nội vẫn "thấp thỏm" lo có ca bệnh cộng đồng.

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch Hà Nội cho rằng, biến thể virus lần này rất nguy hiểm, dễ lây lan, đặc biệt có nhiều trường hợp bị lây nhiễm nhưng không có triệu chứng. Hơn nữa, nhiều ca lây nhiễm 2-3 ngày khi làm xét nghiệm PCR đều cho kết quả âm tính, nhưng sau 11 đến 12 ngày thì lại cho kết quả dương tính.

Trả lời về kết quả xét nghiệm test nhanh âm tính đã an toàn hay chưa, chuyên gia Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương khẳng định, xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính không thể khẳng định 100% người đó không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và không lây cho người khác.

Bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giải thích, xét nghiệm nhanh mà thành phố Hà Nội đang thực hiện là loại xét nghiệm gián tiếp, nhằm tìm kiếm dấu vết của virus để lại trong cơ thể bị nhiễm.

Theo đó, nếu xét nghiệm nhanh cho kết quả dương tính chỉ thể hiện rằng, người đó đã từng bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá khứ, chứ không thể khẳng định người đó đang bị bệnh, có khả năng lây bệnh.

Ngược lại, xét nghiệm nhanh cho kết quả âm tính không thể khẳng định 100% người đó không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và không lây cho người khác.

“Người bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở giai đoạn đầu chưa có kháng thể thì xét nghiệm nhanh chắc chắn cho kết quả âm tính, nhưng người này vẫn có thể lây cho người khác”, BS Khiêm nhấn mạnh.

Thống kê trên thế giới cũng cho thấy, chỉ có 23% người nhiễm virus SARS-CoV-2 có kháng thể IgM sau 1 tuần bị nhiễm; 58% người bị nhiễm sau 2 tuần mới có kháng thể; 75% người bị nhiễm sau 3 tuần mới có kháng thể.

Vì thế, việc làm xét nghiệm nhanh tìm kháng thể chỉ có giá trị xác định tỷ lệ người từng nhiễm virus SARS-CoV-2, giúp đánh giá quy mô dịch bệnh trong cộng đồng, giúp các nhà hoạch định chính sách có các biện pháp tổ chức chống dịch phù hợp.

"Người đi từ vùng dịch về dù có xét nghiệm nhanh âm tính thì vẫn có thể là tiềm ẩn nguy cơ nhiễm bệnh, vẫn có thể lây nhiễm bệnh cho công đồng nên cần tiếp tục tuân thủ thực hiện cách ly theo khuyến cáo của Bộ Y tế”, BS Đồng Phú Khiêm khuyến cáo.

"Vì vậy, tính ngày Đà Nẵng thực hiện phong tỏa là 28/7, phải đến ngày 12 và 13/8, nếu Hà Nội không phát hiện thêm trường hợp nào lây nhiễm trong cộng đồng thì mới yên tâm được”, ông Chung nói.

Không chỉ thấp thỏm lo số trường hợp đã xét nghiệm dù âm tính vẫn có nguy cơ như lý giải ở trên, Hà Nội còn hơn 10 nghìn trường hợp chưa được xét nghiệm. Vì thế, ông Chung cảnh báo Hà Nội vẫn trong đợt nguy cơ cao có thể bùng phát dịch, yêu cầu quán triệt cao độ tinh thần chống dịch.