"Tử vong Covid-19 ở Đà Nẵng không phản ánh độc lực của virus"!

Hồng Hải

(Dân trí) - Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, tỉ lệ tử vong bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus.

Đến sáng 4/8, Việt Nam ghi nhận 652 ca mắc Covid-19, trong đó 7 trường hợp đã tử vong. Ngoài ra, hiện có khoảng 13 trường hợp mắc Covid-19 trong tình trạng rất nặng, nguy kịch, trong đó điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế 7 ca, điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng 6 ca.

Tử vong Covid-19 ở Đà Nẵng không phản ánh độc lực của virus! - 1

Trong số các bệnh nhân nguy kịch, có 6 người phải dùng ECMO, trong khi trước khi xảy ra đợt dịch ở Đà Nẵng, cả nước chỉ có 2 ca bệnh phải dùng ECMO.

Đến nay, tỉ lệ chữa khỏi cho 373 ca (chiếm 60%), 7 ca tử vong, chiếm (1%). 23% các ca mắc không có biểu hiện lâm sàng.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), nhiều bệnh nhân Covid-19 diễn biến nặng, có nhiều bệnh mãn tính, tuổi cao đặc biệt là có thời gian nằm điều trị ở các khoa Hồi sức cấp cứu, lọc máu lâu ngày.

"Các bệnh nhân này đã suy các cơ quan quan nội tạng trong quá trình điều trị trước đây. Hệ thống miễn dịch, sức đề kháng suy yếu. Có những bệnh nhân suy thận mãn chạy thận chu kỳ trên 10 năm; nhiều bệnh nhân suy tim, bệnh nhân ung thư; nhiều bệnh nhân cao tuổi, có bệnh nhân đã 100 tuổi... Nay bệnh nhân bị mắc thêm Covid-19 làm cho cơ hội tiến triển của các bệnh mãn tính tăng lên, trở thành những bệnh nhân nhiễm Covid-19 nặng và rất nặng", PGS Khuê phân tích.

Nói về tỉ lệ tử vong của bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng, BS Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho rằng không đánh giá được tỉ lệ tử vong này là cao hay bất thường.

"Vì nhóm bệnh nhân này không phản ánh sức khỏe cộng đồng. Rất không may, đợt dịch lần này ở Đà Nẵng rơi vào 3 nhóm bệnh nhân rất nguy hiểm, gồm: bệnh nhân suy thận mãn, chạy thận nhiều năm; bệnh nhân ở khoa ung bướu và là bệnh nhân khoa hồi sức", BS Cấp nói.

BS Cấp giải thích thêm: "Đây là nhóm bệnh nhân không bị nhiễm Covid-19 đã tiềm ẩn nguy cơ tử vong, bị thêm Covid-19 như giọt nước tràn ly, làm cho tử vong cao bất thường, chứ không phản ánh sức khỏe cộng đồng hay độc lực của virus".

GS.TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cũng khẳng định, dịch Covid-19 lần này tấn công đúng vào 3 khoa có bệnh nhân yếu nhất. Cụ thể như khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện Đà Nẵng bệnh nhân có nhiều bệnh lý khác nhau lại nhiễm thêm cả Covid-19. “Dù hội đồng chuyên môn với tất cả các giáo sư, bác sĩ đầu ngành và nhiều kinh nghiệm nhất vào Đà Nẵng nhưng vẫn không thể cứu chữa được một số bệnh nhân mắc Covid-19”, ông Long nói.

GS.TS Nguyễn Gia Bình, nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), Tổ trưởng Tổ Hội chẩn chuyên môn chăm sóc điều trị ca bệnh Covid-19 cho biết, tỉ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong theo tuổi (qua theo dõi 72.000 bệnh nhân ở Trung Quốc) cho thấy, tỉ lệ tử vong trên 70 tuổi là 8%; trên 80 tuổi tử vong là 14.9 %. Tại Ý, 90% tử vong là bệnh nhân 90 tuổi.

Trong đó, suy hô hấp là nguyên nhân chính, tiếp theo là suy tuần hoàn, suy đa tạng, do mắc từ trước : Tim mạch , suy thận , ĐTĐ, COPD, suy giảm MD….

"Tại Việt Nam, 7 bệnh nhân Covid-19 tử vong đều  mang sẵn bệnh lý nền rất nặng, mắc Covid-19 giống như giọt nước làm tràn ly, việc tử vong của người bệnh là điều bất khả kháng", GS Bình nhấn mạnh.

Dẫn chứng bệnh nhân số 499 vừa tử vong, GS Bình cho biết bệnh nhân bị ung thư máu giai đoạn cuối, không đáp ứng điều trị hóa chất. Hệ thống bạch cầu giống như hệ thống bảo vệ thì nay sinh ra bạch cầu bất thường, không có chức năng bảo vệ. Bệnh nhân bị viêm phổi rất nặng, rơi vào tình trạng sốc không phục hồi được.

“Vì thế, nguyên nhân tử vong không khẳng định hoàn toàn do Covid-19. Nhiễm thêm bệnh Covid-19 nữa giống như giọt nước làm tràn ly”, GS Binh chia sẻ.

BS Cấp cho biết, ngay khi sắp xếp được phương tiện để vào miền Trung, 2 chuyên gia gồm bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc bệnh viện và bác sĩ Đồng Phú Khiêm, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực sẽ lên đường vào ngay Đà Nẵng, Huế theo sự chỉ đạo của Bộ Y tế.

BS Cấp cho biết, BV Nhiệt đới Trung ương đã điều trị một số ca bệnh nặng, đã có một chút kinh nghiệm. BS Cấp hi vọng có thể truyền đạt lại các kinh nghiệm ấy, giúp các đồng nghiệp vững tin hơn khi điều trị. "Điều quan trọng nhất là phải thiết lập 1 hệ thống mạnh, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến thì hiệu quả điều trị mới cao”, bác sĩ Cấp nhấn mạnh.

Từ ổ dịch Đà Nẵng hiện đã xác định 205 ca lây nhiễm trong nước liên quan đến thành phố này. Từ Đà Nẵng, dịch Covid-19 xuất hiện tại 9 tỉnh, thành phố: Đà Nẵng (143), Quảng Nam (43), Đắk Lắk (3), TP. Hồ Chí Minh (8), Quảng Ngãi (3), Hà Nội (2), Thái Bình (1), Đồng Nai (1), Hà Nam (1). Các trường hợp mới được phát hiện đều có yếu tố dịch tễ liên quan tới ổ dịch Đà Nẵng.