Hà Nam: Làm việc dưới trời nắng nóng, một người đàn ông tử vong

Đức Văn

(Dân trí) - Đang làm việc ở ngoài trời nắng nóng, một người đàn ông đột nhiên co giật, khi đưa vào viện cấp cứu thì bệnh nhân đã tử vong, kiểm tra nhiệt độ cơ thể vẫn lên đến 42,2 độ C.

Thông tin từ Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam cho biết, trong đợt nắng nóng kéo dài từ ngày 31/5 đến 2/6, Khoa cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam, đã tiếp nhận 9 ca bệnh bị say nóng, say nắng, nhiều hơn mọi năm và có những ca bệnh nặng hơn. Đặc biệt, có một người đã tử vong trước khi đến viện. Đây cũng là lần đầu tiên bệnh viện ghi nhận một trường hợp tử vong do nắng nóng.

Bệnh nhân tử vong không có tiền sử bệnh tật, khỏe mạnh bình thường. Người nhà bệnh nhân cho biết người này đang làm việc ở môi trường nắng nóng ngoài đường thì đột nhiên co giật. Khi vào viện cấp cứu thì bệnh nhân đã tử vong từ trước đó, kiểm tra nhiệt độ cơ thể vẫn lên đến 42,2 độ C.

Ngoài ra còn có một bệnh nhân khác bị say nắng, say nóng có biến chứng sốc đang phải đặt ống thở máy, đã được chuyển điều trị ở Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc.

Hà Nam: Làm việc dưới trời nắng nóng, một người đàn ông tử vong - 1

Bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Nam đang điều trị cho một bệnh nhân say nắng, say nóng có biến chứng sốc.

Theo người nhà bệnh nhân cho biết trước đó bệnh nhân làm việc trong nhà lợp mái tôn vào buổi trưa của ngày nắng nóng cao điểm. Sau khi vào viện cấp cứu và được chuyển lên khoa bệnh nhân vẫn trong tình trạng ý thức chậm, tứ chi cử động hạn chế, sốt. Hiện sức khỏe của bệnh nhân này đã tiến triển hơn.

Các bác sỹ khuyến cáo người dân trong những ngày nắng nóng, nếu sinh hoạt, làm việc ở trong nhà cần tạo môi trường thông thoáng, có chống nóng bên trên là tốt nhất, tránh giờ nắng nóng cao điểm. Người cao tuổi, người có bệnh nền càng phải chú ý vấn đề này.

Nếu làm việc ngoài trời phải đội mũ, nón, mặc quần áo bảo hộ, không cho da tiếp xúc trực tiếp với tia nắng mặt trời. Quần áo phải rộng, thoáng khí. Khoảng 45-60 phút cần nghỉ khoảng 10 phút, không nên làm việc liên tục, tránh thời gian nắng nóng cao điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm